Cách làm hay trong xử lý rác thải ở Hang Chú

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, không tổ chức được hoạt động thu gom rác thải tập trung, xã Hang Chú (Bắc Yên) đã vận động người dân xây dựng lò đốt rác thải mini tại hộ gia đình, đem lại hiệu quả thiết thực.

Người dân xã Hang Chú (Bắc Yên) sử dụng lò đốt rác mini.

Dọc tuyến đường vào trung tâm xã Hang Chú, chúng tôi bắt gặp nhiều lò đốt rác mini được xây dựng rải rác ven đường và trước cửa các hộ gia đình. Những con đường bê tông uốn lượn dưới tán rừng sạch, đẹp, không có rác thải, túi nilon. Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, cho biết: Trước đây, do thói quen sinh hoạt, phần lớn rác thải sinh hoạt của hộ gia đình trong xã không được xử lý, chủ yếu vứt xuống suối, thải ra ngoài đường... gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để giải quyết vấn đề này, UBND xã chỉ đạo Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, vận động người dân xây dựng lò đốt rác mini tại gia đình để thu gom, xử lý rác, hạn chế rác thải phát sinh ra ngoài môi trường. Đến nay, toàn xã có 229 lò đốt rác mini tại 6/6 bản, đạt trên 31,9% hộ dân. Xã phấn đấu đến hết năm 2025 có 100% hộ dân áp dụng mô hình này. Đây cũng là “chìa khóa” giúp xã hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường.

Lò đốt rác được thiết kế xây dựng khá đơn giản, không chiếm nhiều diện tích, chiều cao 1m, rộng 1,5m, hình vuông, gồm: Cửa thông khí rộng 20cm, tận dụng tấm lợp fibrô-ximăng làm mái che hoặc không cần mái che. Để xây dựng hoàn chỉnh một lò đốt rác cần chuẩn bị 100 viên gạch, 1 bao xi măng, 1 bao cát, tổng kinh phí khoảng 250.000 đồng. Một lò đốt rác đáp ứng xử lý rác thải từ 3-5 hộ thay phiên nhau sử dụng, gồm các loại rác sinh hoạt, cành, lá cây... Các loại rác này được phơi khô, nên đốt cháy nhanh, ít gây ảnh hưởng môi trường.

Ngoài ra, xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản xây dựng thêm bể thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng để xử lý; hướng dẫn bà con cách phân loại rác, như: Rác thải rắn; rác thải hữu cơ; rác thải vô cơ và rác có thể tái chế để xử lý một cách phù hợp.

Bà Mùa Thị Dong, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hang Chú, chia sẻ: Hội phối hợp với chính quyền xây dựng thí điểm các lò đốt rác tại các điểm trường học, nhà văn hóa bản để nhân dân được chứng kiến lợi ích của việc đốt rác, từ đó, nhiều hộ dân đã làm theo. Ngoài ra, xã hỗ trợ mỗi hộ 100 viên gạch và 1 bao xi măng, 1 bao cát để xây dựng lò đốt rác. Thấy rõ được lợi ích, nên bà con rất ủng hộ.

Trò chuyện với anh Quàng Văn Hoan, bản Hang Chú, anh cho biết: Trước đây, chưa có lò đốt rác, gia đình tôi thường gom thành đống tại góc vườn, đợi đến khi khô mới đốt. Khi trời mưa, rác ẩm ướt bốc mùi hôi thối. Nay có lò đốt, việc xử lý rác dễ dàng hơn.

Chung suy nghĩ, bà Pà Thị Dinh, cùng ở bản phấn khởi: Từ khi xã xây dựng các lò đốt rác này, tất cả rác thải sinh hoạt trong gia đình tôi đều được thu gom và phân loại, mỗi tuần đốt 1-2 lần, mỗi lần đốt rác chỉ khoảng 10-15 phút là cháy hết, rất nhanh, tro đốt rác và phụ phẩm từ rau, củ, quả gia đình tôi tận dụng ủ làm phân bón cho cây trồng.

Có thể nói, việc triển khai mô hình lò đốt rác mini ở Hang Chú đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tạo thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt. Đây là một trong những điều kiện để góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Phạm Hoa
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới