Bước chuyển ở xã vùng cao Hang Chú

Đến xã Hang Chú (Bắc Yên) hôm nay, du khách sẽ được chứng kiến những tuyến đường bê tông liên bản phong quang, sạch đẹp; từng mô hình kinh tế hiệu quả; những ngôi nhà khang trang bên triền núi... Diện mạo nông thôn mới ở xã vùng cao này đang đổi thay từng ngày.

                                 

Một góc bản Phình Hồ, xã Hang Chú (Bắc Yên).     

           

Ảnh: Khải Hoàn

           

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hang Chú đã ưu tiên các tiêu chí dễ đạt, chỉ tiêu dễ thực hiện, vốn đầu tư ít thực hiện trước; tăng cường vận động nhân dân ủng hộ, đóng góp công sức và vật chất tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Thực hiện Nghị quyết 115 của HĐND tỉnh (nay là Nghị quyết 77), đến nay, toàn xã đã bê tông hóa 6 tuyến đường nội bản, dài trên 3,2 km, với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 1,5 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ hơn 800 triệu đồng.

           

Bên cạnh đó, xã đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án khác, như: Chương trình 135, 30a, dự án giảm nghèo thuộc hợp phần ngân sách phát triển xã vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất. Theo đó, từ năm 2017, xã đã cải tạo 1 tuyến đường dài 13,4 km, sửa chữa 1 công trình nước sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo khai hoang 10,4 ha ruộng bậc thang; thực hiện 6 tiểu dự án, với 38 hộ được hỗ trợ gần 20 con bò, 84 con dê nuôi luân chuyển, tổng trị giá hơn 700 triệu đồng.

           

Ông Hờ A Dua, Chủ tịch UBND xã Hang Chú, cho hay: Từ lợi thế của địa phương, xã đã vận động nhân dân cải tạo ruộng trồng lúa nương, sang trồng lúa ruộng; phát triển chăn nuôi đại gia súc làm hàng hóa, trồng thảo quả dưới tán rừng. Hiện, toàn xã có 10 ha lúa ruộng; 34 ha cây thảo quả đã cho thu hoạch; trên 4.400 con gia súc, hơn 9.000 con gia cầm...

           

Ngôi nhà của anh Mùa A Dua, bản Phềnh Hồ dù chỉ 3 gian, nhưng nền được lát gạch hoa, sân và hè láng xi măng; khu nhà vệ sinh, phòng tắm được xây kiên cố, với hệ thống thiết bị khá khang trang.  Anh Dua bày tỏ: Nghe theo hướng dẫn của cán bộ huyện, xã nên phải làm nhà ở sạch sẽ; đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, gà lợn để tăng thêm thu nhập, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

           

Với quan điểm nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân đồng nghĩa với giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác; xây dựng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả. Tiêu biểu là mô hình trồng cây sơn tra theo hướng hàng hóa của ông Giàng A Chinh, bản Nậm Lộng. Ông đã vận động các hộ dân liên kết thành lập HTX, quy mô sản xuất 50 ha cây sơn tra, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng. Nhờ chuỗi liên kết cho sản phẩm quả sơn tra đã góp phần giúp nhân dân các xã vùng cao vươn lên thoát nghèo bền vững.

           

Với việc phát huy giá trị kinh tế của những cây trồng bản địa như: Sơn tra, thảo quả và sự tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã giúp bà con trong xã từng bước vươn lên thoát nghèo, với thu nhập bình quân đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 18%; xã đã cơ bản đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM... Đây là những điều kiện quan trọng để Hang Chú phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

           

Mai Sao (Bắc Yên)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới