Bảo đảm huyết mạch giao thông trong mùa mưa lũ

Nằm ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mặt nước biển, huyện Bắc Yên có địa hình núi cao, vực sâu nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá gây ách tắc, hư hỏng đường giao thông trong mùa mưa lũ rất cao. Trước khó khăn trên, các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã nêu cao tinh thần “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

 

Lãnh đạo xã Phiêng Ban (Bắc Yên) kiểm tra các điểm giao thông bị sạt lở tại bản Cang Hợp.

 

Theo thống kê, huyện Bắc Yên có trên 47 km đường quốc lộ, 37 km đường tỉnh lộ, 190 km đường huyện, 462 km đường xã và gần 1.500 km đường giao thông nông thôn; có 13/16 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Các tuyến đường giao thông thường đi qua khu vực có địa hình chia cắt, hiểm trở, kết cấu địa chất yếu; nhiều đoạn núi cao, vực sâu, độ đốc lớn, thường có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đường gây ách tắc giao thông khi mưa lớn. Do vậy, công tác quản lý, duy tu, bảo trì, đảm bảo hệ thống đường giao thông luôn được huyện Bắc Yên đặc biệt quan tâm.

Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, thông tin: Huyện đã xây dựng phương án đảm bảo giao thông trên các tuyến đường, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp; tích cực phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các công ty quản lý đường bộ trong việc tăng cường cảnh báo, kịp thời xử lý khi xảy ra ách tắc do thiên tai trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Chủ động phương án huy động nhân lực, phương tiện tại cơ sở khắc phục sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo các vị trí, cung đường có nguy cơ bị sạt lở, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân.

Trên tuyến quốc lộ 37 qua địa bàn huyện Bắc Yên, có nhiều đoạn đèo dốc cua nguy hiểm, như đèo Chẹn, đèo Cao Đa, đèo Mòn; một số đoạn đường có nền yếu, taluy sâu, địa chất đứt gãy nguy cơ sạt lở cao. Điển hình từ đầu năm đến nay đoạn Km 418+50 đến Km 418+850 quốc lộ 37 thuộc địa phận đèo Cao Đa, xã Phiêng Ban đã 2 lần xảy ra sạt lở taluy dương, làm ách tắc giao thông cục bộ. Đơn vị quản lý là Công ty cổ phần Quản lý sửa chữa - Xây dựng công trình giao thông II Sơn La đã phải hết sức cố gắng mới kịp thời khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông.

Ông Hoàng Mạnh Tiến, Hạt trưởng Hạt 2-37, Công ty cổ phần Quản lý sửa chữa - Xây dựng công trình giao thông II Sơn La, cho biết: Đơn vị đã xây dựng các phương án xử lý, ứng phó khi xảy ra mưa lũ, ách tắc; thường xuyên kiểm kê các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí phương tiện, máy móc, thiết bị và nhân lực túc trực ở các vị trí xung yếu; kịp thời tiến hành khắc phục sạt lở, thu gom đất đá, phân luồng giao thông...

Còn trên các tuyến đường giao thông nông thôn, các địa phương cũng chủ động phòng tránh và khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ. Ông Lường Văn Thăn, Bí thư Chi bộ bản Cang Hợp, xã Phiêng Ban, cho biết: Năm 2019, tuyến đường giao thông của bản được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, giúp người dân trong bản đi lại và trao đổi hàng hóa thuận lợi. Để bảo vệ tuyến đường và giúp người dân đi lại an toàn trong mùa mưa, bản đã vận động bà con chủ động quét dọn vệ sinh, thu gom đất, đá sạt lở trên mặt đường và thường xuyên phát quang bụi rậm, nạo vét, khơi thông cống rãnh...

Theo dự báo, mùa mưa năm nay sẽ diễn biến phức tạp, huyện Bắc Yên phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động các phương án đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới