Lớp học chữ Thái của ông Chựa

Với tâm huyết bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa dân tộc, hơn 3 năm qua, ông Lường Văn Chựa (75 tuổi), ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn (Yên Châu) đã sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ nhiều tư liệu về văn hóa dân tộc Thái và mở nhiều lớp truyền dạy chữ Thái miễn phí cho bà con trong xã và vùng lân cận.

Lớp học chữ Thái miễn phí của ông Chựa tại xã Chiềng Khoi.

Thăm lớp học chữ Thái tại Nhà văn hóa xã Chiềng Khoi, nơi ông Chựa đang dạy cho 15 học viên đủ mọi lứa tuổi ở xã, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết của ông về việc truyền dạy chữ Thái cho người dân trong xã. Được biết, lớp học được tổ chức từ 14 giờ các ngày thứ 4, 5, 6 hàng tuần. Tranh thủ giữa giờ giải lao, ông Chựa trò chuyện: Là người con đồng bào dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở vùng đất Chiềng Pằn, người Thái ở đây chiếm trên 90% dân số, nhưng người có thể viết, đọc được chữ Thái thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi văn hoá dân tộc mình phong phú, có nhiều bài học của người xưa vận dụng vào thực tế rất phù hợp mà người biết chữ Thái cũng không nhiều. Vì thế, cần phải bảo tồn chữ Thái để giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Chính những điều này đã thôi thúc ông sưu tầm, nghiên cứu, tìm đến những người am hiểu về ngôn ngữ Thái nhờ hỗ trợ để biên soạn giáo trình chữ Thái chuẩn dùng cho việc dạy học. Ông cho biết thêm: Cái duyên chữ Thái đến với ông một cách tình cờ khi ông được gặp và nói chuyện với Nghệ nhân dân gian Lò Văn Thắng ở xã Mường Sang (Mộc Châu) - là một trong những người có tâm huyết trong việc nghiên cứu bảo tồn, trao truyền ngôn ngữ, chữ viết và văn hóa của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Mộc Châu. Từ đó, ý định mở lớp dạy chữ Thái cho bà con được ông nhen nhóm. Năm 2016, ông Chựa cùng với những người bạn tâm huyết tổ chức lớp dạy chữ Thái đầu tiên. Lớp học được đặt tại nhà văn hóa của bản với 18 học viên, đều là những người già trong bản. Ông nhớ lại: Ban đầu, mọi người háo hức lắm, nhưng khi bắt đầu học, thấy viết chữ khó quá nên nhiều người học được vài buổi thì dừng. Bên cạnh đó, thiếu thốn cơ sở vật chất, tài liệu chính thống; còn học viên, không phải lúc nào cũng đến lớp đều đặn được. Những người tham gia lớp học đều là người cao tuổi, khả năng tiếp thu không nhanh nhạy như lớp trẻ. Đặc biệt, do cách viết, phát âm và ghép vần của chữ Thái khác nhiều so với tiếng phổ thông, nếu không có sự kiên trì, đam mê và không học thuộc và ghi nhớ chữ cái thì không thể ghép vần và đọc. Vì vậy, ông luôn động viên các học viên cố gắng kiên trì học hỏi, chịu khó tìm tòi. Sau một thời gian, các học viên đến lớp đều đặn dần. Điều phấn khởi, những người già, sau khi hiểu được giá trị của chữ Thái cũng đã vận động con em mình đi học.

Để học viên dễ dàng tiếp thu, ông cùng các giáo viên đã nghỉ hưu dựa vào tài liệu dạy chữ Thái của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh xây dựng chương trình học phù hợp, tìm ra phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Đồng thời, soạn ra những giáo án gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân; dành nhiều thời gian phân tích, giải nghĩa hoặc dịch ra tiếng phổ thông để học viên hiểu hơn. Tìm tòi, hướng dẫn người dân cách cài phần mềm ngôn ngữ Thái trên máy tính và điện thoại di động để học viên có thể học thêm tại nhà.

Từ lớp học đầu tiên ở bản Ngùa (xã Chiềng Pằn), với lòng nhiệt huyết của mình, ông Chựa đã lan tỏa phong trào học chữ Thái sang các xã như Chiềng Khoi, Chiềng Hặc, Sặp Vạt, thu hút nhiều lượt người theo học. Tính đến nay, đã có 4 khóa học chữ Thái do ông giảng dạy (mỗi lớp học thường diễn ra trong 4 tháng). Người học chữ Thái đến với ông mỗi ngày một đông, một phần bởi niềm đam mê nhưng một phần cũng bởi tâm huyết của thầy giáo Lường Văn Chựa.

Anh Hà Trọng Đanh, ở bản Tủm, xã Chiềng Khoi cho biết: Đây là buổi thứ 2 tôi tham gia lớp học này. Tuy học chữ dân tộc Thái khó hơn so với tiếng phổ thông nhưng được sự hướng dẫn tận tình từ cách đánh vần đến nắn từng nét chữ của thầy Chựa cho từng học viên trong lớp học. Là người Thái, chúng tôi thấy mình cũng phải có trách nhiệm học và bảo tồn chữ viết, tiếng nói dân tộc. Tôi sẽ cố gắng rèn luyện, học hỏi thêm nhiều để còn dạy lại cho các con, cháu.

Lớp học không chỉ thu hút người dân mà các cán bộ xã đang đương chức như Ông Lò Văn Thông, Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã cũng tham gia lớp học và đồng thời là Lớp trưởng, ông cho biết: Lớp dạy chữ Thái được mở ra thực sự cần thiết và ý nghĩa đối với người dân. Nhờ việc học chữ Thái mà những nét văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc được ghi chép, lưu giữ lại chính xác, lâu dài. Nhiều người dân trong xã có nhu cầu học chữ nhưng do không sắp xếp được công việc và một phần do sức chứa nhà văn hóa có hạn nên không tham gia được. Xã mong muốn sẽ có nhiều lớp dạy chữ tiếp tục được mở tại địa bàn để người dân có cơ hội học một cách bài bản, duy trì bản sắc dân tộc.

Việc truyền dạy chữ viết không đơn thuần chỉ là học viết, học đọc mà còn học cả kho tàng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái. Hy vọng, những lớp học dạy chữ Thái của ông Chựa sẽ được nhân rộng, phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa với cộng đồng người dân tộc Thái ở Yên Châu nói riêng, các địa phương trong tỉnh nói chung.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Tập trung thu ngân sách những tháng cuối năm

    Tập trung thu ngân sách những tháng cuối năm

    Kinh tế -
    Năm 2024, huyện Mường La được HĐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn 135 tỷ đồng; trong đó, thu tiền sử dụng đất 10 tỷ đồng và thu thuế, phí, lệ phí 125 tỷ đồng. HĐND huyện giao dự toán thu 141,75 tỷ đồng; trong đó, thu tiền sử dụng đất 10 tỷ đồng và thu thuế, phí, lệ phí 131,75 tỷ đồng. Ngay từ đầu năm, Chi cục thuế khu vực Thành phố - Mường La đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phấn đấu hoàn thành dự toán được giao.
  • 'Thuận Châu vào vụ thu hoạch cà phê

    Thuận Châu vào vụ thu hoạch cà phê

    Kinh tế -
    Từ nhiều năm qua, cây cà phê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Thuận Châu. Thời điểm này, về các xã trọng điểm trồng cà phê của huyện như: Bản Lầm, Chiềng Bôm, Muổi Nọi, Tông Lạnh.., chúng tôi chia vui cùng bà con, vì giá cà phê năm nay cao hơn so với mọi năm.
  • 'Phù Yên phát triển lâm nghiệp bền vững

    Phù Yên phát triển lâm nghiệp bền vững

    Xã hội -
    những năm gần đây, công tác theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp, quản lý đầu tư, triển khai các dự án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Phù Yên được chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm, tỷ lệ che phủ, chất lượng rừng từng bước được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
  • 'Chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số

    Chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số

    Xã hội -
    Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Mai Sơn đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
  • 'Đảm bảo hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

    Đảm bảo hậu cần, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Công tác hậu cần, kỹ thuật có vai trò, vị trí quan trọng trong nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Vì vậy, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Yên Châu luôn quan tâm, thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm đầy đủ, kịp thời về cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.
  • 'Chú trọng kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh

    Chú trọng kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh

    Xây dựng Đảng -
    Đảng bộ huyện Sông Mã có 63 chi bộ, đảng bộ cơ sở và 452 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với trên 8.400 đảng viên. Những năm qua, cấp ủy, UBKT các cấp huyện Sông Mã đã thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.