Phát huy truyền thống Khu căn cứ kháng chiến 99

Những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi về huyện Bắc Yên, tìm hiểu về Khu căn cứ kháng chiến 99, niềm tự hào của người dân huyện vùng cao về một thời oanh liệt tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Giọng nữ

Ngược dòng lịch sử

Cầm trên tay cuốn lịch sử Đảng bộ huyện, chia sẻ với chúng tôi về Khu căn cứ kháng chiến 99, ông Lừ Văn Hòa, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Yên, cho biết: Những người thuộc thế hệ cha ông tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ thành lập Khu căn cứ kháng chiến năm xưa hiện không còn nữa. Theo tư liệu lịch sử, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12/1946, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh dựa vào địa hình đồi núi hiểm trở, rừng rậm hoang vu thành lập Khu căn cứ kháng chiến 99, bao gồm: Hang Chú, Làng Chếu, Xím Vàng, Tà Xùa, Phiêng Ban, Pắc Ngà, Pắc Lừm, Hồng Ngài. Tại các bản hình thành lực lượng tự vệ bán vũ trang, phối hợp với các đội công tác vũ trang bảo vệ dân, chống càn. Tiêu biểu là Đội vũ trang tuyên truyền Pắc Pắc thành lập cuối tháng 5/1950, với mật danh là “PP viết ngược là 99”, gồm có 10 đồng chí được chọn từ cán bộ du kích cốt cán ở địa phương trong các xã, bản.

Trung tâm xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên.

Tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Tại Khu căn cứ kháng chiến 99, Chi bộ Pắc Pắc vận động quần chúng khắp các bản tham gia chuẩn bị lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến trường, theo dõi và cung cấp tình hình địch ở các đồn Bản Trai, Vạn Yên, dẫn đường cho bộ đội quân báo vào vùng địch hậu... Sau khi nhận được lệnh phát động chiến dịch của Bộ Chính trị, bộ đội chủ lực phối hợp với du kích địa phương tổ chức phục kích, chặn đánh, bẻ gãy nhiều đợt hành quân, càn quét của địch và tổ chức các trận đánh du kích nhỏ lẻ với hình thức đánh phủ đầu chớp nhoáng, rút lui an toàn, đã gây ra cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/1952, đội du kích Khu 99 liên tiếp tổ chức 3 trận đánh lớn tại địa bàn các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Hang Chú.

Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, mở ra một thời kỳ mới cho nhân dân các dân tộc Bắc Yên. Khu căn cứ kháng chiến 99 hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Ngày 28/5/2012, Khu căn cứ kháng chiến 99 được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Phát huy truyền thống Khu căn cứ kháng chiến 99, nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên luôn đoàn kết, ra sức thi đua lao động sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn khởi sắc.

Khởi sắc khu căn cứ cách mạng

Con đường đất “chồn chân vó ngựa” đến các bản vùng cao của Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú nay là tuyến tỉnh lộ 112 được trải nhựa uốn lượn quanh co theo triền núi; dọc hai bên đường, nhiều nhà ở, nhà hàng, dịch vụ được xây dựng khang trang; những công trình trường học, trạm, đường điện kéo dài đến các bản. Đặc biệt, phương thức sản xuất, tư duy phát triển kinh tế của bà con vùng cao hôm nay đã có nhiều đổi mới.

Nông dân bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, giới thiệu sản phẩm “Chè lam Tà Xùa hương vị - điểm đến”. 

Đến bản Cáo A, xã Làng Chếu, thăm cơ sở sản xuất của HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu, với 8 thành viên đều là người dân tộc Mông. HTX đầu tư nhà xưởng 200m2, với 2 máy sấy lạnh và dây chuyền sản xuất tinh bột dong riềng và miến dong hiện đại. Ông Sồng A Mang, Giám đốc HTX, cho biết: HTX thành lập từ năm 2020. Mỗi năm thu mua, sơ chế 100 tấn quả sơn tra tươi; 1.200 tấn dong riềng; sản xuất được 2 tấn sản phẩm táo sơn tra khô, gần 300 tấn tinh bột dong riềng và 300 kg miến khô... doanh thu trên 1 tỷ đồng. Đến nay, 2 sản phẩm miến dong khô, miến dong tươi của HTX đạt OCOP 3 sao; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30 lao động ở địa phương...

Vùng cao gian khó ngày nào, nay đã khoác lên mình diện mạo mới, nhân dân chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; con em được đến trường học đầy đủ. Nhất là, những con đường lớn đã được đầu tư nối vùng cao gần lại vùng thấp, giúp bà con đi lại, tiêu thụ nông sản thuận lợi, được giá hơn. 

Đồng chí Lò Bình Minh, Bí thư Đảng ủy xã Tà Xùa, thông tin: Giờ đây, toàn xã có 300 ha cây chè Shan tuyết; thâm canh gần 195 ha lúa ruộng; 70 ha lúa nương; 78 ha ngô, sắn; 42 ha dong riềng; có 3 sản phẩm trà xanh mây, trà xanh thiện, bạch trà mây đạt OCOP 4 sao và sản phẩm trà sương tuyết cổ thụ - truyền thống đạt OCOP 3 sao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,4%... Xã đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2025.

Bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2023 đến nay, huyện Bắc Yên đầu tư trên 150 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 72 dự án cơ sở hạ tầng, có 55 dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; phát triển 5 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP của huyện lên 11 sản phẩm...

Ông Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu, vận hành máy sấy lạnh nông sản.

Vui mừng cho biết thêm về sự đổi thay của huyện Bắc Yên, ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện, nói: Các xã thuộc khu 99 năm xưa, có xã Phiêng Ban nay đã đạt chuẩn nông thôn mới; 87,5% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa, bê tông; 67,68% số bản có đường từ trung tâm xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 73,1% số xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 86,93% số hộ được dùng điện sinh hoạt an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Tự hào và tiếp nối truyền thống cách mạng của khu căn cứ kháng chiến 99, luôn là động lực, niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Yên thi đua phát triển kinh tế, lao động sản xuất, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp, phát triển.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới