Sau gần 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, đã mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Yên Châu.
Bà Quàng Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã bám sát các nội dung chính của Dự án 8, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng.
Từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện đã thành lập 33 tổ truyền thông cộng đồng, với 325 thành viên; 13 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 3 mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại xã Chiềng On, Chiềng Đông và Tú Nang. Đồng thời, tổ chức 37 buổi truyền thông, tập huấn cho tổ truyền thông cộng đồng, địa chỉ tin cậy, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho gần 2.000 người. Lắp đặt 11 pano tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trên địa bàn các xã; in, phát hơn 500 tờ rơi truyền thông tuyên truyền 4 gói chính sách sinh đẻ an toàn cho phụ nữ dân tộc thiểu số và kỹ năng chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, Hội còn tuyên truyền về bình đẳng giới thông qua hệ thống loa truyền thanh xã, bản, các trang mạng xã hội, tổ chức chiến dịch truyền thông về xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, gắn với phát triển kinh tế trong phụ nữ dân tộc thiểu số tại 4 cụm xã Phiêng Khoài, Chiềng Đông, Chiềng Tương, Chiềng Hặc. Đồng thời, phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức 6 lớp xóa mù chữ tại xã Mường Lựm và Chiềng Tương. Hỗ trợ 96 phụ nữ dân tộc thiểu số gói chính sách sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở xã Tú Nang được thành lập cuối năm 2023, là nơi chia sẻ, gửi gắm những tâm tư, vướng mắc của hội viên, phụ nữ trong cuộc sống gia đình. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của mô hình một số cặp vợ chồng có mâu thuẫn đã hàn gắn, hòa thuận. Chị Vì Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN xã, chia sẻ: Nơi lánh nạn bạo lực gia đình được đặt tại Trạm Y tế xã, nếu nhận được phản ánh của nhân dân hay khi hội viên phụ nữ cần giúp đỡ, chúng tôi sẽ cử thành viên nhanh chóng đến hòa giải, bảo vệ phụ nữ, trẻ em không bị bạo lực gia đình.
Tại xã Chiềng Đông đang duy trì mô hình “Địa chỉ tin cậy” và 4 tổ truyền thông cộng đồng. Ngoài lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới trong các cuộc họp bản, các thành viên tổ truyền thông còn thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng; quan tâm chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Anh Cà Văn Hợp, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Luông Mé, Tổ trưởng tổ truyền thông cộng đồng bản Luông Mé, xã Chiềng Đông, chia sẻ: Việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong bản; phụ nữ quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản. Những người đàn ông trong gia đình đã tham gia giúp vợ con làm việc nhà; dạy bảo con cái học hành, chung tay vun đắp hạnh phúc gia đình và tạo điều kiện cho vợ tham gia các hoạt động của cộng đồng.
Hội LHPN huyện Yên Châu tiếp tục thực hiện lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy cao nhất vai trò, khả năng đóng góp cho xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!