Ngày 23/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, tổ chức Hội thảo tư vấn sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La- thực trạng và giải pháp.
Dự Hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành; đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh ta đã quy hoạch 162 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó: 53 mỏ đá, 13 mỏ đá làm cát nhân tạo, 53 mỏ cát tự nhiên, 12 mỏ đất sét và 31 mỏ đất san lấp. Các hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản được Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan thực hiện thông qua việc cấp phép và đấu giá quyền khai thác. Tính đến tháng 7/2024, tỉnh đã cấp phép khai thác cho 46 mỏ khoáng sản; cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng đối với 65 mỏ khoáng sản.
Tuy nhiên, công tác quản lý vật liệu xây dựng còn một số hạn chế, đó là: Việc quy hoạch khoáng sản còn chồng chéo với các quy hoạch chuyên ngành khác, như: Giao thông, rừng, điện, và đất quốc phòng; dẫn đến tình trạng một số mỏ sau khi được quy hoạch vẫn nằm trong khu vực cấm hoặc tạm thời cấm khai thác; thông tin về tọa độ và diện tích của một số mỏ đã quy hoạch chưa được công bố đầy đủ, gây khó khăn trong quản lý và khai thác.
Quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản phức tạp và thiếu sự phối hợp giữa các ngành liên quan, dẫn đến một số mỏ không thể đấu giá thành công; công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; quản lý hoạt động khai thác còn nhiều hạn chế. Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, vi phạm thiết kế khai thác và an toàn lao động…
Các đại biểu đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong đó, tập trung vào các vấn đề liên quan đến công tác cấp phép, quản lý quy hoạch, phát triển khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; quản lý chặt chẽ mốc quy hoạch, khu vực đã được quy hoạch.
Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, quản lý theo phân cấp. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng thông thường cần bám sát Quy hoạch tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản tập trung rà soát các quy hoạch chuyên ngành. Đồng thời, cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững và hiệu quả trước những yêu cầu mới.
Qua hội thảo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổng hợp báo cáo với HĐND, UBND tỉnh những giải pháp, kiến nghị, nhằm tháo gỡ vướng mắc để phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian tới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!