Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại, vi phạm về an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các thành viên và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các lĩnh vực, địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, bình ổn giá cả, thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Giọng nữ
Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh trên địa bàn phường Quyết Thắng, Thành phố.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra; phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Tình trạng sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vận chuyển, buôn bán nguyên liệu thực phẩm, động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm còn diễn ra, ảnh hưởng tới quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên và các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác, kiểm soát về giá, chống đầu cơ, găm hàng. Kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, các trang mạng xã hội mua bán trực tuyến, khu vực biên giới, cửa khẩu; các tuyến giao thông trọng điểm...

Với các biện pháp đồng bộ, quyết liệt, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong 7 tháng qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.254 vụ, 1.280 đối tượng; trong đó xử phạt hành chính 1.187 vụ, thu nộp ngân sách gần 11,4 tỷ đồng; khởi tố 64 vụ, 87 đối tượng.

Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Trong 7 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã kiểm tra 749 vụ, xử lý 641 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy hơn 640 triệu đồng.

Công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Ông Trần Mạnh Đức, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thông tin: Trên địa bàn tỉnh có trên 24.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó, có 15.087 cơ sở kinh doanh thực phẩm; còn lại là cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố. Trong 7 tháng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã kiểm tra, hậu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 3.640 cơ sở, phát hiện 48 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử lý vi phạm hơn 101 triệu đồng.

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thông tin về kết quả xử lý các vụ việc điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền và răn đe đối với các đối tượng sản xuất, kinh doanh trái pháp luật. Ngoài ra, yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, phát hiện, tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chị Đinh Thị Bích, bản Hang Trùng I, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh hàng tạp hóa. Được các cán bộ quản lý thị trường tuyên truyền, cửa hàng đã ký cam kết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh. Tôi nhập hàng có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ về để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con.

Theo các cơ quan chuyên môn dự báo, tình hình buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm, do nhu cầu của người tiêu dùng tăng. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, các lực lượng chức năng, các huyện, thành phố triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nắm chắc tình hình địa bàn, lĩnh vực; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh quyết liệt, hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới