Tìm hướng đi mới cho mận hậu

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phổng Lái (Thuận Châu) đã chuyển sang chế biến các loại sản phẩm từ quả mận hậu như: Ô mai mận, siro mận, mận sấy... để nâng cao giá trị và tìm đầu ra cho nông sản của gia đình.

Người dân xã Phổng Lái thu hái mận.

Đến thăm vườn mận của gia đình chị Bùi Thủy Tiên, bản Kiến Xương, với 3,5 ha mận hậu được trồng từ 20 năm trước, bình quân thu 60-70 tấn/năm. Chị Tiên cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay mận hậu tiêu thụ chậm hơn, nên tôi đã nảy ra ý tưởng chế biến mận hậu thành các sản phẩm như ô mai, mứt, siro... để dễ dàng bảo quản và tiêu thụ.

Những cành mận hậu sai trĩu quả.

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chế biến, nên chị Tiên cũng gặp không ít khó khăn. Dù đã thực hiện đủ các khâu kỹ thuật, như rửa, khía mận, ngâm đường và phơi nắng, nhưng ô mai làm ra đều bị hỏng. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và học hỏi các công thức trên phương tiện thông tin đại chúng, chị đã thành công với cách phơi một nắng cho quả mận hơi khô se lại, sau đó mới ngâm đường. Như vậy, ô mai mận vẫn tròn quả, có màu sắc đẹp mắt , lại ngậy và dẻo hơn.

Mận được xử lý qua các bước: Rửa mận, khía mận, ngâm đường...

Để nhiều người biết đến sản phẩm của mình, chị không chỉ giới thiệu trên trang Facebook cá nhân mà còn lập tài khoản bán hàng trên ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee. Cách quảng bá này đã giúp gia đình chị Tiên tiêu thụ được 40 kg ô mai, giá bình quân 170 nghìn đồng/kg và 20 lít siro, giá 45 nghìn đồng/lít. Thương hiệu Tâm Xá Farm của gia đình chị Tiên đã được nhiều người tin tưởng và ưa chuộng.

...sau đó được phơi nắng để mận se lại.

Chúng tôi tiếp tục đến nhà chị Nguyễn Thị Hà Phương, bản Đông Quan. Nhà chị Phương có hơn 1.000m² mận hậu. Ngay từ đầu mùa mận, chị Phương đã chủ động thu hoạch mận, làm ô mai, siro mận để bán. Chị Phương chia sẻ: Cứ 3,7 kg tươi, tôi làm được 1 kg ô mai mận và 500ml siro. Năm nay tôi đã bán 30 kg ô mai và 15 lít siro cho các khách hàng ở Thành phố Sơn La, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì ô mai, siro mận có thể để được từ 6 tháng - 1 năm.

Chị Đoàn Thùy Trang, tổ 3, phường Quyết Thắng, cho biết: Mận là loại trái cây chứa nhiều vitamin A, B2, C và các khoáng chất cần thiết, tốt cho sức khỏe, nên gia đình tôi thường xuyên mua mận tươi về ăn. Khi biết đến sản phẩm ô mai và siro mận của một số hộ dân ở xã Phổng Lái, tôi đã đặt mua về ăn thử thấy rất ngon, bổ dưỡng và có thể giải nhiệt.

Thành phẩm ô mai mận.

Năm 2021, toàn xã Phổng Lái có hơn 50 ha mận hậu, sản lượng bình quân đạt 7-9 tấn/ha. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn chục hộ dân đang làm ô mai, siro mận hậu. Cách làm này đã giải quyết vấn đề trước mắt, chế biến mận tươi giá trị thấp thành các sản phẩm có giá trị cao hơn và có thể tiêu thụ dần trong thời gian dài, nâng cao thu nhập cho người trồng mận.

Các sản phẩm ô mai và siro mận.

UBND xã Phổng Lái đang xây dựng kế hoạch về trồng cây mận hậu với trồng xen cây chè, cà phê, áp dụng quy trình VietGap vào sản xuất. Đồng thời, vận động người dân thành lập Hợp tác xã để xây dựng chuỗi sản xuất, phát triển các dòng sản phẩm từ mận, như ô mai, siro, mứt, mận sấy... Đồng thời, chủ động tìm hướng đi mới cho sản phẩm và không bị lệ thuộc vào thương lái hay biến động của thị trường.

Thủy Tiên - Phan Hưng

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới