Cao nguyên Mộc Châu được ví như “Đà Lạt của vùng Tây Bắc”, được Chính phủ phê duyệt là Khu du lịch quốc gia, nơi đây, không chỉ nổi tiếng bởi khí hậu trong lành, mát mẻ, những đồng cỏ, đồi chè thơ mộng, những lễ hội văn hóa đậm đà bản sắc..., mà còn nổi tiếng với nghề chăn nuôi bò sữa. Thương hiệu “Mộc Châu milk” và dòng thông tin thương hiệu “Thảo nguyên xanh - Sữa mát lành” đã và đang là niềm tự hào của tỉnh Sơn La nói chung, Mộc Châu nói riêng.
Trang trại bò sữa tại tiểu khu 68, thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Những ngày đầu khởi nghiệp
Về đón tết Độc lập 2/9 năm nay, tôi có dịp tiếp xúc với ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu. Trong không khí chân thành, cởi mở, ông Chiến khiêm tốn cho rằng, những thành quả có được hôm nay là công sức của cả tập thể Đảng bộ, Ban Giám đốc và các thế hệ cán bộ công nhân trải dài suốt 60 năm. Cũng qua ông, tôi nắm được sơ bộ quá trình hình thành, phát triển của Công ty theo từng dấu mốc năm tháng. Thành lập tháng 4 năm 1958, Nông trường quốc doanh Mộc Châu - tiền thân Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu ngày nay, do các chiến sĩ Trung đoàn 280 (Sư đoàn 335) anh hùng, sau giải phóng Tây Bắc được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ ở lại làm kinh tế, khởi nghiệp, mở mang phát triển vùng Tây Bắc. Những năm 60 của thế kỷ trước, Nông trường nhập 113 con bò lang trắng đen từ trại Ba Vì lên nuôi, sau đó tổng đàn tăng lên 400 con. Đến năm 1975, đất nước thống nhất, dưới sự giúp đỡ của Đảng và Chính phủ Cu Ba, Nông trường nhập về 884 con bò sữa giống Holstein Friesian (HF), đầu tư xây dựng 12 trại chăn nuôi tập trung với công nghệ chăn nuôi tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Đây chính là nguồn giống gốc của đàn bò sữa trên thảo nguyên hôm nay.
Tiếp những năm sau đó, có những thời điểm tổng đàn bò lên tới 2.564 con, sản xuất 3.200 tấn sữa/năm. Nhưng tới những năm 80, Nông trường gặp khó khăn bởi nền kinh tế tập thể, tập trung bao cấp nảy sinh nhiều bất cập; công nhân thiếu việc làm, thu nhập thấp, đồng cỏ chăn nuôi bò nhỏ lẻ, đơn điệu, không đáp ứng nhu cầu thức ăn chứ chưa nói dự trữ , đàn bò bị đói, sữa vắt ra không có đơn vị thu mua, không có nhà máy chế biến; lại thêm Bộ Nông nghiệp điều chuyển hơn 800 con bò vào miền Nam, nên đàn bò và sản lượng sữa giảm đáng kể, chỉ đạt 1.400 tấn sữa/năm..
.
Đứng trước nguy cơ phá sản, năm 1990, Nông trường thí điểm khoán đàn bò sữa cho các hộ. Ban đầu, 112 con bò được khoán cho 17 hộ chăn nuôi và vắt sữa. Thấy có dấu hiệu tích cực, Nông trường quyết định khoán toàn bộ đàn bò về cho các hộ nuôi; thành lập Hội đồng khoán, đánh giá toàn bộ giá trị đàn bò, vật tư, tài sản, đất đai, đồng cỏ và xây dựng các chính sách khoán cho hộ theo định hướng sản xuất, được trả dần theo sản phẩm hằng tháng; Công ty đóng vai trò “bà đỡ”, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và công tác thú y. Thật may mắn, với cách khoán này, người chăn nuôi thực sự được làm chủ; 1.200 con bò sữa được khoán về 167 hộ nuôi và đàn bò sữa đã dần dần được khôi phục, sản lượng sữa cũng thế cứ ngày một tăng lên. Sau nhiều năm chuyển đổi hình thức quản lý, bổ sung nhiệm vụ, chuyển đổi từ Nông trường sang Công ty, mô hình khoán hộ vẫn được duy trì và cải tiến. Nhằm tăng nhanh đầu con, nâng cao chất lượng giống, Công ty tiếp tục nhập 49 con bò từ Mỹ, 1.364 con bò từ Úc về giao khoán cho các hộ theo hình thức trả dần.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng bộ, Ban Giám đốc, tháng 1 năm 2005, Công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, người chăn nuôi là những cổ đông; vẫn giữ định hướng lấy chăn nuôi làm gốc, đa dạng hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời điểm này, Công ty còn đầu tư xây dựng 3 trung tâm giống, quy mô 500-1.000 con/trung tâm; thâm canh 1.000 ha đồng cỏ; mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất các loại thức ăn dùng ủ ướp ra các vùng phụ cận; đầu tư thêm các trạm thu mua sữa tươi, dây chuyền sản xuất chế biến...
Nuôi dưỡng nguồn sữa mát lành
Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc phụ trách chăn nuôi của Công ty đưa tôi đến thăm trang trại bò sữa của gia đình ông Phan Doãn Hiệp, tiểu khu 26/7 (Thị trấn Nông trường Mộc Châu). Khi chúng tôi đến, cả gia đình đang chú tâm vắt sữa. Từng thùng sữa sạch thơm, được bảo quản kỹ lưỡng, xếp chất lên xe chuyên dụng để chuyển tới trạm thu mua sữa của Công ty. Ông Hiệp cho biết, năm 1996, gia đình nhận khoán nuôi bò với Công ty; đầu tư cải tạo để luân canh 4 ha đồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò 70 con sinh sản, 40 con vắt sữa, mỗi ngày cung cấp hơn tấn sữa tươi cho Công ty, thu nhập bình quân sau trừ chi phí đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định bền vững cho 6 lao động. Ông Hiệp còn là cổ đông đóng góp cổ phần với Công ty để gắn bó lâu dài với nghề chăn nuôi bò sữa.
Công nhân Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu vắt sữa bò.
Còn tại trang trại ở tiểu khu 19/5, chúng tôi được biết gia đình bà Nguyễn Thị Chi, là một trong những hộ đầu tiên nhận khoán nuôi bò từ những năm 90. Bà bảo: Trước đây khu này một thời là trang trại bò sữa Cu Ba, quy hoạch 120 con với 50 ha đất để chăn thả luân phiên theo lô. Sau khi nhận khoán, gia đình tôi mang 5 con về nuôi, từ con số ban đầu đó đàn bò nay đã phát triển lên 90 con (50 con sinh sản, 40 con vắt sữa), trung bình ngày thu 8 tạ sữa tươi, có thời điểm lên tới 1 tấn sữa tươi/ngày, bình quân đạt trên 300 tấn/năm, trừ chi phí thu nhập không dưới 1 tỷ đồng/năm. Để đảm bảo nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng cho bò, ngoài đồng cỏ nhận khoán nhập giống cỏ Anphapha từ Mỹ, thức ăn tinh do Công ty cung cấp, hằng năm, gia đình tôi còn mua thêm hơn 300 tấn cây ngô ủ ướp bổ sung nguồn thức ăn cho bò.
Bây giờ, trên thảo nguyên Mộc Châu, những nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú từ nghề chăn nuôi bò sữa không ít. Trong số gần 600 hộ chăn nuôi bò sữa, thì trên 200 hộ thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Đàn bò sữa của Công ty hiện có hơn 23.000 con, bình quân mỗi hộ nuôi 40 con, có 120 hộ nuôi từ 50 con trở lên, hộ nuôi nhiều nhất 200 con, tỷ lệ tăng đàn 12%/năm. Các mô hình chăn nuôi bò sữa hiện tại đều là mô hình hộ gắn với các trại tập trung được quản lý ở 10 đơn vị chăn nuôi; nguồn thức ăn tinh, ủ ướp, thức ăn tổng hợp cho bò sữa hằng năm khoảng 233.000 tấn; sản lượng sữa tươi hơn 80.000 tấn/năm; doanh thu trên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận 216 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 177 tỷ đồng.
Để xây dựng thương hiệu Mộc Châu milk “Thảo nguyên xanh - Sữa mát lành”, Công ty áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, tiêu chuẩn châu Âu, xây dựng các trang trại quy mô lớn đi kèm trang thiết bị hiện đại; 100% số hộ sử dụng máy vắt sữa, máy cắt, băm, thái cỏ, máy tắm cho bò; trên 150 hộ có máy cày bừa, máy nông cụ, 62 xe vận tải các loại. Bên cạnh đó, Công ty triển khai quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, phối tinh định giới tính nhằm tăng nhanh số lượng và chất lượng đàn bò; kiểm soát truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh ATTP; sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao; áp dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; mạng lưới cán bộ kỹ thuật của Công ty hiện có 26 thú y viên, 18 dẫn tinh viên được bố trí tại các đơn vị chăn nuôi, trung tâm giống, trực tiếp giúp các hộ về kỹ thuật chăn nuôi, khuyến nông, thú y, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bò. Thường xuyên liên kết với nhân dân trong vùng phụ cận sản xuất thức ăn cho đàn bò, hằng năm mua hàng nghìn tấn ngô cây ủ ướp, 15.000 tấn ngô hạt, 3.000 tấn sắn khô với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng; mở rộng vành đai nuôi 1.400 con bò đến 100 hộ trong vùng; tổng sản lượng sữa bán cho Công ty trên 3.700 tấn/năm; đào tạo, tiếp nhận hơn 4.000 lao động trên tất cả các lĩnh vực vào làm việc tại Công ty.
Hiện tại, Công ty đã đầu tư xây dựng 13 trạm thu mua sữa, đảm bảo các hộ trong bán kính 1 km bán sữa thuận lợi; các trục đường đến trang trại, vùng sản xuất, đồng cỏ đều được nhựa hóa, bê tông hóa; xây dựng hệ thống nước máy đảm bảo tiêu chuẩn; lắp đặt các trạm biến áp, đường điện phục vụ sản xuất chăn nuôi; xây dựng quỹ bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm giá sữa; xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với 3 dây chuyền hiện đại, công suất 15 tấn/giờ. Năm 2012, Công ty chủ trương nâng cao chất lượng sữa tươi, quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn tổng hợp (TMR) theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của Hàn Quốc, đảm bảo cung cấp 30.000 tấn thức ăn/năm cho 3 trung tâm giống và đàn bò vắt sữa, góp phần tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sữa. Đặc biệt, năm 2004, Công ty huy động vốn xây dựng Nhà máy chế biến sữa UHT 18 tấn/giờ với 8 dây chuyền sản xuất các sản phẩm sữa UHT, sữa chua các loại với chất lượng cao, chinh phục thị trường.
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!