Với mục tiêu phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có 641.435 ha, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 45,4%, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã tập trung triển khai các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường quản lý đầu tư, hướng dẫn triển khai các dự án bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.
Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn và nhân dân xã Phổng Lái (Thuận Châu) tuần tra bảo vệ rừng.
Những tháng đầu năm, cũng là thời kỳ cao điểm mùa khô hanh, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các Hạt kiểm lâm và lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn, các đơn vị, dự án tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là PCCCR; hướng dẫn các bản xây dựng nội quy, quy ước bảo vệ rừng, vận động nhân dân chấp hành quy định về sản xuất nương rẫy theo đúng mốc giới quy định. Trong 3 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm trong toàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở mở 125 hội nghị cấp xã, bản tuyên truyền về công tác bảo vệ và PCCCR, với gần 7.200 lượt người tham gia. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng, cập nhật kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019, tham mưu cho tỉnh công bố hiện trạng rừng; phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng kiểm tra, rà soát diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2019 cho các chủ rừng. Triển khai hướng dẫn các đơn vị thực hiện một số hạng mục mang tính chất đặc thù phục vụ công tác quản lý bảo vệ, PCCCR từ nguồn vốn chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững năm 2020. Đặc biệt, Chi cục đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR mùa khô hanh. Đôn đốc các Hạt kiểm lâm, Ban quản lý các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La thực hiện kế hoạch bảo vệ, PCCCR; phối hợp với lực lượng kiểm lâm các tỉnh giáp ranh tăng cường công tác bảo vệ và PCCCR; thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; kiểm tra việc sử dụng lửa trong sản xuất nương rẫy; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ.
Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Trong quý I, Chi cục đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác bảo vệ và PCCCR tại các địa phương có diện tích rừng lớn và nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, để chỉ đạo triển khai các phương án PCCCR ngay từ cơ sở trong những tháng cao điểm mùa khô hanh.
Bên cạnh đó, các Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, Khu bảo tồn thiên nhiên đã tăng cường lực lượng, phối hợp với địa phương tập trung làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc không để hình thành các “điểm nóng” về bảo vệ, PCCCR. Rà soát, khoanh vùng xác định các điểm, khu vực có nguy cơ cháy cao để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ và huy động lực lượng tại chỗ khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Ông Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lái (Thuận Châu) thông tin: Trên địa bàn xã hiện có trên 5.550 ha rừng, được giao cho 704 chủ rừng. Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân có thêm việc làm và thu nhập từ nghề rừng, toàn bộ diện tích rừng được quản lý, bảo vệ tốt, không còn tình trạng phá rừng làm nương, không xảy ra cháy rừng.
Theo thông tin từ lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai nhiệm vụ, đơn vị đang tập trung khắc phục khó khăn, triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cơ cấu diện tích 3 loại rừng (rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất) để phục vụ công tác quản lý rừng bền vững và giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Tiếp tục triển khai các dự án đặc thù về phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2020 và những năm tiếp theo. Rà soát các cơ chế, chính sách hưởng lợi từ rừng trồng, đề xuất các giải pháp khai thác hiệu quả rừng trồng là rừng sản xuất gắn với cơ chế và các điều kiện ràng buộc trồng lại rừng sau khai thác, nhằm duy trì sự phát triển ổn định của rừng trồng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, từng bước thúc đẩy phát triển thị trường lâm sản hàng hóa. Hướng dẫn các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La lập danh sách các bản vùng đệm để triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và tiếp tục triển khai đề án hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia; đề xuất chủ trương đầu tư dự án bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng và dự án phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!