Thành lập được hơn 1 năm, mô hình trồng và chế biến miến dong của Chi hội phụ nữ bản Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu) ngày càng được mở rộng, không những tiêu thụ sản phẩm địa phương, mà còn góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho chị em.
Mô hình chế biến miến dong của phụ nữ bản Quỳnh Phiêng.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường, vốn đầu tư không quá nhiều, tháng 10/2019, Chi hội phụ nữ bản Quỳnh Phiêng đã xây dựng mô hình trồng và chế biến miến dong với 25 hội viên tham gia, quy mô 20 ha cây dong riềng. Chi hội đã được Hội LHPN huyện tặng 25 chiếc nồi tráng miến dong. Tham gia mô hình, các thành viên cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau sản xuất, chia sẻ kiến thức, kỹ thuật trồng và chế biến miến dong đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Qua hơn 1 năm hoạt động, các hội viên phụ nữ trong bản tham gia mô hình đều có nguồn thu ổn định, sau mỗi vụ, nhà ít thu khoảng 40 triệu đồng, nhà trồng và làm miến dong nhiều thu từ 80-90 triệu đồng trở lên.
Gia đình chị Bạc Thị Thiển, là một trong những hộ thành viên tiên phong trồng và chế biến miến dong của bản. Lật những sợi miến dong phơi trên phên tre, chị Thiển cho hay: Trước đây, ở quê cũ xã Pá Ma Pha Khinh (Quỳnh Nhai), gia đình tôi đã trồng và sản xuất miến. Khi được cán bộ Chi hội phụ nữ vận động tham gia mô hình tôi tham gia ngay. Nhà tôi có hơn 6.000 m² cây dong riềng trồng xen cây nhãn, xoài. Tính ra cứ 10 kg củ tươi làm được 1 kg miến khô; trung bình, một vụ gia đình tôi sản xuất, chế biến được 1 tấn miến dong, với giá bán 70.000-80.000/kg, ước tính thu về gần 80 triệu đồng.
Cạnh nhà chị Thiển là gia đình chị Lừ Thị Bình cũng đang tất bật đóng gói miến để kịp giao cho khách. Theo chị Bình: Gia đình tôi trồng 1 ha dong riềng, tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, nên sản phẩm miến dong của gia đình đảm bảo chất lượng. Chuẩn bị dịp Tết, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, gia đình tôi đang sản xuất hết công suất. Vụ năm nay, ước sản xuất hơn 1,2 tấn miến dong, thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của chị em phụ nữ bản Quỳnh Phiêng, để sản xuất ra sản phẩm miến dong ngon, chất lượng, độ dai thì người làm phải tinh ý, cẩn thận. Đầu tiên chọn củ dong già, nhiều bột, không bị sâu thối, rửa sạch, mới cho vào máy đem xát và lọc lấy tinh bột. Công đoạn lọc bột dong đóng vai trò quan trọng quyết định độ trắng, độ bóng, ngon của miến và loại bỏ sạn lẫn trong bột dong. Công đoạn tráng miến (giống như cách tráng bánh cuốn) cần phải đảm bảo bánh được chín kỹ thì miến mới có độ dai, không bị nát khi chế biến. Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá miến ngon. Sau đó đem phơi cho bánh miến khô vừa tới, rồi mang ra máy cắt miến, cắt xong đem trải ra phên phơi cho khô. Đặc biệt, các hộ trong bản đã chủ động đầu tư máy móc hiện đại, hiệu quả sản xuất miến dong được nâng cao hơn.
Qua tìm hiểu được biết, sản phẩm miến dong ở Quỳnh Phiêng không có bất kỳ pha trộn, thực hiện đúng quy trình sạch, phơi khô tự nhiên nên sử dụng an toàn. Một đặc trưng nổi bật của miến dong Quỳnh Phiêng bên cạnh hương vị thơm, ngon còn có mầu nâu sậm, nấu xong để qua đêm vẫn giữ được độ dai, không bị nát, nhũn. Dù giá có cao hơn so với giá miến trên thị trường nhưng dễ tiêu thụ. Hiện nay, không chỉ có khách trong tỉnh mà còn có khách ở Hà Nội, Thái Nguyên cũng tìm về bản để mua về bán buôn, bán lẻ hoặc làm quà biếu.
Chia sẻ với chúng tôi về định hướng trong thời gian tới, chị Điêu Thị Màu, Chi hội trưởng phụ nữa bản Quỳnh Phiêng, thông tin: Hiệu quả của mô hình trồng và chế biến miến dong đã thấy rõ, tuy nhiên mô hình vẫn đang manh mún, nhỏ lẻ. Thời gian tới, Chi hội phụ nữ bản Quỳnh Phiêng rất mong muốn các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện thành lập hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu miến dong Quỳnh Phiêng nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!