Khó khăn trong quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ sau 22 giờ

Hiện nay, tại mỗi địa phương đều có quy định khung giờ đóng cửa các loại hình kinh doanh dịch vụ. Hầu hết các văn bản, nghị định liên quan của các cấp, ngành, đều quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải dừng hoạt động sau 22-23 giờ. Nhưng trên thực tế tại tỉnh ta, đặc biệt trên địa bàn Thành phố, tình trạng các cửa hàng, điểm kinh doanh dịch vụ mở cửa thâu đêm vẫn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các loại tội phạm và mất ổn định về ANTT. Phóng viên Báo Sơn La đã thâm nhập thực tế để tìm hiểu về vấn đề này.

Cửa hàng kinh doanh Internet trên đường Cách mạng tháng Tám (Thành phố)

hoạt động quá giờ quy định (Ảnh chụp lúc 23h ngày 7/11/2017).

 

Nguy cơ phát sinh tội phạm từ hoạt động kinh doanh về đêm

Chúng tôi có mặt tại đường Lê Duẩn (đoạn từ Bến xe khách Sơn La đến Trường Cao đẳng Sơn La) khi đồng hồ đã điểm 23 giờ. Đây là tuyến đường được mệnh danh “chốn ăn đêm” của Thành phố do tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, quán trọ bình dân, bến bãi vận chuyển hành khách. Các quán ăn ở đây “mọc” san sát, luôn tấp nập người ra vào, ngồi kín các dãy bàn dù đã hơn 23 giờ và chưa có dấu hiệu rời quán. Chị N.B.N, tổ 1, phường Quyết Tâm cho biết: Khu vực này thu hút một số lượng đáng kể các đối tượng không nghề nghiệp “tá túc” qua đêm. Đến khi rượu vào, lời ra dẫn tới mâu thuẫn, ẩu đả gây thương tích, đã có xảy ra cả trọng án tại khu vực.

Không chỉ các cửa hàng dịch vụ ăn uống mà các quán karaoke, cửa hàng cung cấp dịch vụ internet cũng trong tình trạng vi phạm khung giờ hoạt động kinh doanh. Vào vai khách đi hát cùng nhóm bạn vào quán karaoke tại đường Trần Đăng Ninh (phường Quyết Tâm) vào 23 giờ 40 phút. Theo quy định (tại khoản 7, điều 32 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 quy định về quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa), các cơ sở kinh doanh karaoke không được hoạt động sau 24 giờ đêm đến 8 giờ sáng. Thế nhưng, vào thời điểm này, tại quán này khách vẫn cứ vào, ra liên tục; âm thanh của các phòng hát vẫn vọng ra bên ngoài. Anh N.H.V (tổ 3, phường Chiềng Sinh) phản ánh: Dường như khách vào giờ nào là các quán karaoke sẵn sàng đón tiếp giờ đấy. Không ít đêm, mặc dù đã 12 giờ đêm còn có những tốp khách gây gổ, cãi vã nhau do đã uống quá nhiều rượu, bia từ trong quán ra; gây mất trật tự an ninh khu phố và ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân xung quanh.

Trong vai một game thủ, chúng tôi gõ cửa quán internet trên đường Cách mạng tháng Tám (phường Tô Hiệu) khi đồng hồ đã điểm 23 giờ. Theo quy định, các đại lý kinh doanh trò chơi điện tử công cộng không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng, nhưng lúc này, trong quán vẫn có hơn 20 thanh niên đang mải miết “cày game”. Khách vô tư chơi, đói thì có sẵn mì hộp, nước giải khát, buồn ngủ thì ngồi gục tại ghế. Do lợi nhuận từ việc phục vụ đồ ăn, thức uống, bán thẻ game, kinh doanh “đồ game” cung cấp cho các nhân vật ảo cho khách vào ban đêm vượt xa mức phạt từ 5-10 triệu đồng/tháng (quy định tại khoản 8, điều 36 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, các đại lý kinh doanh trò chơi điện tử công cộng), vì vậy, có thể hiểu lý do tại sao chủ quán game bất chấp vi phạm để tiếp tục hoạt động.

Có thể thấy, đối tượng thường xuyên đi chơi đêm thuộc nhiều thành phần phức tạp, trong đó có cả những đối tượng tội phạm, chính vì vậy, càng làm tăng nguy cơ phức tạp về tình hình an ninh trật tự, cũng là một phần nguyên nhân của tình hình tội phạm (đua xe, tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng....) có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua. Chưa kể đến việc khi vào quán ăn đêm thường sử dụng rượu, bia, do đó chỉ cần va chạm, xích mích nhỏ là có thể dẫn đến ẩu đả, gây thương tích, thậm chí là có cả án mạng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố xảy ra 9 vụ việc vi phạm về ANTT liên quan đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động quá giờ quy định; trong đó có 7 vụ cố ý gây thương tích tại quán ăn đêm, 1 vụ giết người xảy ra tại cơ sở tẩm quất, 1 vụ sử dụng ma túy trái phép tại quán karaoke. Hầu hết các vụ vi phạm đều xảy ra vào thời điểm ngoài 12 giờ đêm.

Khó khăn trong công tác xử lý

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 170 cơ sở kinh doanh dịch vụ; trong đó có: 47 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; 65 cơ sở đại lý internet, trò chơi điện tử; 48 quán ăn đêm; 10 cơ sở xông hơi, mát-xa, tẩm quất. Với mỗi loại hình kinh doanh dịch vụ đều có quy định riêng về khung giờ hoạt động. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thành phố vẫn hoạt động sau 22 giờ.

Thời gian qua, lực lượng Công an Thành phố đã nhiều lần xử phạt các địa điểm kinh doanh dịch vụ hoạt động quá giờ quy định, gây mất ANTT trên địa bàn.

Đại úy Nguyễn Ngọc Dũng, Đội trưởng Đội An ninh, Công an Thành phố cho biết: Các cơ sở kinh doanh có nhiều thủ đoạn chống đối hoạt động kiểm tra như tắt điện, đóng cửa khi hoạt động; lắp đặt hệ thống camera để phát hiện đoàn kiểm tra. Bên cạnh đó, vì chưa có quy định về giờ hoạt động của dịch vụ kinh doanh hàng ăn và xông hơi, mát-xa, tẩm quất nên việc xử lý còn gặp khó khăn, lúng túng. Đơn vị chức năng chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở, vận động ký cam kết không tái phạm. Trong thời gian tới, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định giờ hoạt động của các dịch vụ kinh doanh ăn uống và các dịch vụ khác để có căn cứ xử lý các trường hợp vi phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Dịp cuối năm, các hoạt động kinh doanh dịch vụ tăng cao cũng là thời điểm các loại tội phạm hoạt động phức tạp. Rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc siết chặt khung giờ quy định đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm, chấn chỉnh những cửa hàng kinh doanh dịch vụ sau 22 giờ, góp phần hạn chế phát sinh tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự.

Nhóm PV
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới