Chủ động phòng, trừ sâu bệnh gây hại cây trồng

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng xen với những đợt mưa rào, độ ẩm cao, thuận lợi cho một số sâu bệnh gây hại trên cây trồng phát triển. Các cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, vụ xuân năm nay, nông dân toàn tỉnh gieo cấy 12.450 ha lúa, trên 12.800 ha ngô và trên 3.500 ha rau các loại; chăm sóc gần 19.000 ha xoài, trên 7.800 ha mía, trên 17.800 ha cà phê, 18.700 ha nhãn, gần 5.700 ha chè...

           

Nông dân xã Hát Lót phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho cây ăn quả.

           

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trên lúa xuân tại một số địa phương đã xuất hiện bệnh rầy lưng trắng, rầy nâu, mật độ gây hại phổ biến 194 con/m²  và một số sâu bệnh gây hại khác, như: Sâu cuốn lá nhỏ, ruồi đục nõn, sâu đục thân, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá, đạo ôn, khô vằn... với tổng diện tích nhiễm bệnh 333 ha.

           

Bên cạnh đó, bệnh sâu keo mùa thu đã xuất hiện trên 6,5 ha ngô tại huyện Quỳnh Nhai, Bắc Yên và Thành phố, mật độ phổ biến 0,5 con/m². Có trên 177 ha cây cà phê bị sâu đục thân mình trắng, rệp vẩy, rệp sáp, chùn ngọn, bệnh thán thư; 54 ha chè tại Thuận Châu, Mộc Châu Vân Hồ đang bước vào giai đoạn thu hái bị nhiễm nhẹ bệnh dán cao chè, rầy xanh, bọ trĩ. Trên các loại cây ăn quả, xuất hiện bọ xít nâu, rệp sáp, thán thư...

           

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Chi cục đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); theo dõi, bám sát đồng ruộng phát hiện sớm các loại sâu, bệnh phát sinh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp. Trong trường hợp đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách) và bảo đảm thời gian cách ly.

           

Tại huyện Thuận Châu, có gần 190 ha lúa xuân xuất hiện bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn, đốm sọc vi khuẩn... Ông Tòng Văn Diện, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các xã, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi và dự báo chính xác về thời gian phát sinh, quy mô, mức độ của từng đối tượng sinh vật gây hại; tham mưu đề xuất các biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả. Đồng thời, khuyến cáo bà con cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm. Khi số rầy nở rộ tập trung với mật độ khoảng 750 con/m² (3 con/lá lúa) thì phun thuốc Pexena 106 SC, Applaud 10BHN, Oshin 20 WP, Siêu rầy, Bassa... Đối với bệnh đạo ôn trên cây lúa, bà con ngừng ngay việc bón đạm, phân bón lá, không để ruộng bị hạn, phòng trừ bằng một trong các loại thuốc: Fujione 40EC, Katana 20SC, Difuian 40EC; diện tích bị đạo ôn lá nặng phải phun kép 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 4-5 ngày; bà con phải phun phòng đạo ôn cổ bông trước trỗ 5-7 ngày và sau trỗ 5-7 ngày bằng thuốc đặc hiệu Fujione 40EC.

           

Xã Hát Lót có diện tích cây ăn quả lớn của huyện Mai Sơn, người dân đang tích cực chăm sóc cây ăn quả để chuẩn bị cho vụ thu hoạch. Ông Đào Xuân Yết, thành viên HTX Ngọc Lan, cho biết: Gia đình tôi có 3 ha xoài và 1 ha bưởi. Qua theo dõi, cây xoài, bưởi của gia đình có hiện tượng xuất hiện rệp sáp và bệnh thán thư. Tôi đã tiến hành phun thuốc phòng, trừ theo chu kỳ sinh trưởng của cây đúng hướng dẫn và đúng liều lượng. 3 ngày sau khi phun thuốc, diện tích cây ăn quả bị nhiễm bệnh đã giảm rõ rệt.

           

Với điều kiện thời tiết nóng ẩm, sâu bệnh đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh. Các cơ quan chức năng đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân thường xuyên kiểm tra cây trồng, chủ động phun thuốc phòng trừ sâu bệnh kịp thời, kết hợp bón phân giúp cây trồng phát triển. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới