Ấn tượng sáng chế “Cầu vượt lũ”

Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm 2015-2016, do Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức đã thu hút nhiều mô hình, sản phẩm sáng tạo độc đáo của thanh, thiếu niên toàn tỉnh tham gia. Trong đó, mô hình “Cầu vượt lũ” tạo thu hút sự chú ý, sự đánh giá cao của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Điều đặc biệt, mô hình này là ý tưởng sáng tạo của một học sinh cấp 2 ở xã vùng sâu, vùng xa của huyện Thuận Châu.

Mô hình “Cầu vượt lũ”.

Chúng tôi tìm gặp em Quàng Văn Cường, học sinh lớp 9A, Trường THCS É Tòng, xã É Tòng (Thuận Châu), chủ nhân của sáng chế “Cầu vượt lũ”, Cường cho biết: Nơi em sinh sống là xã vùng cao, địa hình đồi núi dốc, về mùa mưa thường xuất hiện những trận lũ quét, lũ ống phá hủy đường đi của người dân, lòng suối ngày càng gập ghềnh và nguy hiểm. Việc đi lại của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt, chúng em đi học phải lội qua suối hoặc phải đi trên những cây cầu đã quá cũ không đảm bảo an toàn. Vì vậy, em đã nảy sinh ý tưởng tạo ra cây cầu vượt lũ này. Cây cầu được cải tiến từ chiếc cầu truyền thống, có hệ thống chân cầu, 6 điểm chịu lực chắc chắn; tất cả các thành phần được kết nối với nhau tạo thành một khối vững chắc. Điểm chịu lực của cầu được đẩy ra giữa lòng suối và hai điểm gác vào bờ kết cấu hình tam giác vuông cân rất chắc chắn và  cầu bắc ngang qua suối chỉ bằng những cây gỗ ngắn tạo nên. Không chỉ có ưu điểm là sử dụng nguyên vật liệu đơn giản mà “Cầu vượt lũ” còn có thể điều chỉnh độ cao của hai đầu cầu để phù hợp với độ cao của hai bên bờ mà không ảnh hưởng đến độ cao của các trụ cầu. Hơn nữa, việc lắp đặt cùng dễ dàng bởi những cây gỗ ngắn và thân cầu được chia làm hai phần nên trọng lượng của các phần cần lắp đặt đã giảm đi rất đáng kể. Trong quá trình sử dụng, dễ dàng sửa chữa và thay thế chi tiết khi cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hoặc gặp hư hỏng. Ngoài ra, chi phí đầu tư xây dựng, lắp đặt thấp, kĩ thuật đảm bảo chắc chắn, ổn định, khả năng ứng dụng cao, hỗ trợ nhân dân đi lại qua suối trong mùa mưa lũ được thuận lợi và an toàn.

Theo đánh giá của Hội đồng sơ khảo, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật tỉnh, mô hình “Cầu vượt lũ” là mô hình đòi hỏi tính thực tế, thông số kỹ thuật và độ chính xác cao. Khi đặt hai vật có cùng kích thước và cùng trọng lượng đủ lớn lên điểm giữa của mỗi cây cầu, thấy rằng “Cầu vượt lũ” không bị võng xuống, còn cây cầu truyền thống thì bị võng xuống. Điều này chứng minh rằng “Cầu vượt lũ” chịu được lực lớn hơn nhiều lần so với cầu truyền thống có cùng kích cỡ và được làm từ cùng một loại vật liệu là giả thuyết hoàn toàn đúng.

Trò chuyện với Cường về việc hiện thực hóa ý tưởng của mình, cậu học trò khiêm tốn: Để thực hiện thành công mô hình cầu vượt lũ là nhờ sự quan tâm, hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô giáo và sự giúp đỡ từ bạn bè. Trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng, em đã đi quan sát kỹ thực tế các con suối, các cây cầu truyền thống và việc đi lại của người dân. Khi các công đoạn như lựa chọn vật liệu, lắp ráp các bộ phận, em cũng gặp phải những khó khăn, như phải thay đổi lại, việc cưa, cắt các chi tiết đòi hỏi phải đảm bảo độ chính xác cao nên phải làm đi, làm lại, mất rất nhiều thời gian, nhưng càng làm lại càng say sưa, càng quyết tâm hơn để hoàn thiện mô hình, chỉ mong sao mô hình được áp dụng vào thực tế, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, an toàn hơn mỗi khi mưa lũ.

Sáng tạo của Cường đã được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm học 2015-2016 và sản phẩm đã đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi. Tin rằng mô hình “Cầu vượt lũ” của Quàng Văn Cường sẽ sớm được nghiên cứu, hoàn thiện để vận dụng vào thực tiễn, góp phần giúp bà con, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đi lại thuận tiện, an toàn hơn mỗi khi mùa mưa lũ về.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới