Lên vùng cao Co Mạ

Co Mạ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu. Nhiều năm trước đây, do tập quán sản xuất cũ, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi không cao, tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Co Mạ hôm nay đang có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, trẻ em được đến trường, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Xã có 19 bản, với trên 1.400 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Cùng với đó, bà con được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng ngắn ngày năng suất thấp sang trồng cây ăn quả; được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất; đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Để giúp nhân dân có vốn, các đoàn thể chính trị - xã hội của xã đã nhận ủy thác với các ngân hàng giúp bà con có vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, Co Mạ có gần 400 hộ vay gần 10 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội; 54 hộ vay gần 8 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.

Nhân dân xã Co Mạ trồng cây dong riềng.

Ông Và Phỏng Sá, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Co Mạ có nhiều đồi núi cao, với những cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng rộng lớn. Do ý thức được giá trị của rừng, nhiều năm qua nhân dân trong xã không xâm hại đến rừng. Hiện nay, bà con đang chăm sóc, bảo vệ trên 4.000 ha rừng phòng hộ, 2.577 ha rừng đặc dụng, 445 ha rừng trồng. Bên cạnh đó, xã đã vận động nhân dân triển khai có trên 60 ha cây sơn tra; 153 ha cây ăn quả, gồm: Nhãn, xoài, chanh leo; 7 ha dứa nguyên liệu; 970 ha lúa nương; 80 ha lúa nước; 759 ha ngô; 107 ha sắn. Nông dân đã chuyển 81 ha trồng cây hiệu quả thấp sang trồng cây dong riềng, mang lại thu nhập cao trong vài năm trở lại đây. Chăn nuôi đại gia súc cũng được chú trọng phát triển, các bản vận động bà con tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nhờ đó, đàn gia súc của xã  có gần 3.000 con trâu, bò; trên 3.200 con lợn trên 2 tháng tuổi.

Đến thăm gia đình anh Vàng A Mai, bản Co Mạ, là một trong những hộ có kinh tế khá của xã. Anh Mai chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi trồng 1 ha sơn tra. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá sơn tra rẻ không đủ trang trải cuộc sống, nên gia đình tôi đã chuyển dần sang trồng cây dong riềng. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi ha dong riêng cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm; 2 ha ngô và lúa nương cũng cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm.

So với nhiều năm trước, Co Mạ bây giờ đã có nhiều đổi thay, kinh tế đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung vào các cây, con chủ lực. Các chính sách vay vốn cho hộ nghèo được vận dụng phù hợp, góp phần khuyến khích phát triển sản xuất; nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, sửa chữa và đưa vào sử dụng. Năm 2022, đã hoàn thành công trình trụ sở làm việc của xã; sửa chữa 6 km đường trung tâm xã; duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường đến 10 bản, 2 công trình nước sạch. Xã đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải hỗ trợ xóa nhà tạm cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Hiện nay, Co Mạ đang rà soát để đề xuất với UBND huyện đầu tư công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa, cầu qua suối... Năm 2023, xã phấn đấu xóa thêm 10 nhà tạm cho các hộ nghèo từ các nguồn vốn hỗ trợ.

Dù vẫn còn những khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng lòng của nhân dân trong xã, Co Mạ tiếp tục nỗ lực vươn lên, xứng đáng là trung tâm các xã vùng cao của huyện Thuận Châu.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới