Với sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư và nhà thầu, sau gần 4 tháng thi công xây dựng, cải tạo hạ tầng và các hạng mục, Đền thờ Vua Lê Thái Tông, thành phố Sơn La đã cơ bản hoàn thiện, đảm bảo các điều kiện cần thiết đón du khách dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Di tích lịch sử văn bia Quế Lâm Ngự Chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông tại thành phố Sơn La được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia ngày 5/2/1994. Nơi đây đã ghi dấu tích của vị vua trẻ, văn võ toàn tài Lê Thái Tông khi cùng với quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn của vùng biên cương phía Tây của Tổ quốc, giữ bình yên bờ cõi nước nhà.
Đảm bảo việc quản lý đất đai, hoàn thiện cơ sở hạ tầng không gian kiến trúc cảnh quan; phát huy giá trị di sản gắn với bảo tồn di sản văn hóa và cảnh quan, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa tâm linh, ngày 18/12/2022, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1805/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình; xây dựng cải tạo hạ tầng các hạng mục phụ trợ Đền thờ Vua Lê Thái Tông, phường Chiềng Lề, Thành phố. Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng thành phố làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án đầu tư gồm các hạng mục: Đầu tư xây mới bãi đỗ xe, cổng đền, sân lễ hội và các hạng mục phụ trợ với tổng diện tích 1.223 m2; nhà điều hành 2 tầng diện tích xây dựng 125 m2, diện tích sàn trên 255 m2, đường xuống đền và các hạng mục phụ trợ ngoài đền; hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, cây xanh; đầu tư cải tạo đường lên đền và cải tạo sân dưới trước đền, với tổng giá trị dự toán phê duyệt gần 14,5 tỷ đồng.
Với diện mạo mới, Đền thờ Vua Lê Thái Tông tạo nên một kiến trúc tổng thể đẹp, hài hòa vừa đảm bảo mỹ quan, vừa góp phần tạo thuận lợi, đảm bảo an ninh trật tự cho du khách. Đi qua bãi đỗ xe là đến sân lễ hội rộng 1.223 m2. Sân lễ hội là không gian kết nối các hạng mục chính: Bãi đỗ xe, nhà quản lý dịch vụ, cổng, đường lên và đường xuống.
Bồn cây chạy dọc phía trước sân lễ hội, bờ bồn cây thiết kế thành băng ghế ngồi. Khu vực phía sau, thẳng với trục chính của đền dự kiến sẽ đặt tượng Vua Lê Thái Tông và phù điêu “Tây Chinh” trên tường kè bê tông cốt thép.
Ngay cạnh sân lễ hội là nhà điều hành thiết kế 2 tầng, nhà gỗ 5 gian truyền thống kết hợp vật liệu hiện đại hệ thống khung, mái bằng gỗ nhóm II, lợp ngói mũi hài, tường hồi xây gạch đất sét nung. Tầng 1 là khu làm việc của Ban quản lý di tích, tiếp cận từ đường Lê Thái Tông, bao gồm: Không gian đón tiếp, giới thiệu về di tích; phòng làm việc của Ban Quản lý; khu vệ sinh, cầu thang lên tầng 2. Tầng 2 là khu dịch vụ nằm cùng cao độ với sân lễ hội, cung cấp dịch vụ giải khát, lưu niệm… cho du khách.
Cổng Đền thờ Vua Lê Thái Tông hướng về sân lễ hội, kết nối với đường lên đền, cổng được thiết kế kiến trúc hình tứ trụ, kiến trúc truyền thống, lối đi nằm giữa 2 trụ chính, 2 bên dựng bình phong, trụ chính và trụ phụ xây tường nối với gạch thông gió hình hoa chanh.
Ông Phạm Minh Đô, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên dịch vụ đô thị Sơn La, cho biết: Công trình thi công từ cuối tháng 9/2022. Sau gần 4 tháng thi công, đến nay, các hạng mục lớn đã xây dựng xong, các nhà thầu đang tập trung hoàn thiện một số hạng mục sân trước đền và lối xuống trước đền. Đảm bảo tiến độ, hai đơn vị huy động khoảng 50-70 lao động, 15-20 thiết bị đầu xe hoạt động 3 ca để vận chuyển vật liệu, đẩy nhanh tiến độ lát sân đền.
Ông Lê Văn Tuất, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ môi trường Sơn La, nói: Chúng tôi tập trung cao độ việc thi công các hạng mục đền thờ Vua Lê Thái Tông, như trồng cây, trồng cỏ, tổng vệ sinh, phấn đấu hoàn thành vượt mức cao nhất để phục nhân dân trong dịp Tết.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Đền thờ vua Lê Thái Tông, Thành phố, là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến dâng hương, vãn cảnh. Thành phố đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch và được tin tưởng giao làm chủ đầu tư. Để đảm bảo an ninh trật tự, Thành phố có văn bản chỉ đạo phòng quản lý đô thị phối hợp với Công an phường Chiềng Lề bố trí cán bộ trực, tăng cường tuần tra, kiểm tra, hướng dẫn người dân, đặc biệt không để tổ chức, cá nhân nào lợi dụng để chuộc lợi hoặc chèn ép du khách.
Với người dân Sơn La, Đền thờ vua Lê Thái Tông đã trở thành chốn linh thiêng, dù đi đâu cũng nhớ về để thắp nén hương thơm tri ân bậc tiền nhân. Ngày nay, Đền thờ còn là địa chỉ giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn, gắn với đời sống tâm linh của nhân dân và du khách thập phương, tưởng nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông đã giữ yên bờ cõi biên cương; cảm nhận sự yên bình nơi chốn linh thiêng, để càng thêm yêu, tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!