Yên Châu vùng đất sinh sống của 5 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số. Nét đặc trưng riêng trong phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc đã tạo cho Yên Châu nét văn hóa đa dạng, phong phú, được cộng đồng các dân tộc tham gia gìn giữ, bảo tồn nhiều đời nay.
Lễ hội Đông Sửa của đồng bào dân tộc Thái ở xã Sặp Vạt được tổ chức vào dịp đầu năm, tại khu rừng thiêng của bản. Phần nghi lễ diễn ra trang trọng, ngắn gọn, thể hiện mong ước của bà con ai cũng khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Phần hội diễn ra sôi động với các phần thi, trò chơi dân gian, văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc.
Chị Quàng Thị Nhất, Trưởng bản Khá, xã Sặp Vạt, cho biết: Việc tổ chức lễ hội vừa để tỏ lòng thành kính của nhân dân với tổ tiên cội nguồn, vừa là dịp để giới thiệu đến du khách gần xa phong tục, tập quán, mảnh đất con người bản Khá, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Tại xã Chiềng Khoi, Hội Phụ nữ xã phối hợp với CLB hát Thái tổ chức phục dựng lễ hội Hạn Khuống của đồng bào dân tộc Thái. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian có từ lâu đời và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chị Mè Thị Điện, Chủ tịch hội, chia sẻ: Cùng với phục dựng lễ hội truyền thống, hội viên phụ nữ xã còn duy trì nghề thêu khăn thổ cẩm; mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào dịp hội hè hay ngày lễ tết, tham gia chơi các trò chơi dân gian...
Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống các dân tộc, huyện Yên Châu đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, UBND các xã sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ các giá trị văn hóa dân gian. Rà soát các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc còn được lưu truyền trên địa bàn để tổ chức phục dựng, như: Lễ hội Cầu mưa, lễ hội Đông Sửa, Hạn Khuống của dân tộc Thái; lễ hội Mương A Ma của dân tộc Sinh Mun; lễ hội Mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú. Trong đó, lễ hội Mương A Ma (lễ cầu sức khỏe) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn tăng cường hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Khuyến khích các nghệ nhân, câu lạc bộ tổ chức truyền dạy dân ca, dân vũ, các điệu xòe truyền thống... Duy trì tốt hoạt động của 182 đội văn nghệ bản, tiểu khu, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ tại cơ sở. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 câu lạc bộ văn hóa Thái, thành viên là cán bộ nghỉ hưu, người có uy tín, đam mê và yêu văn hóa dân tộc bản địa. Các câu lạc bộ đã tổ chức truyền dạy chữ Thái, các làn điệu dân ca, dân vũ, xòe Thái; thêu may, dệt thổ cẩm... sưu tầm biên soạn các tác phẩm văn hóa vui tươi, văn hóa tâm linh, các lời răn dạy của người xưa, các bài thuốc cổ, tổ chức phục dựng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.
Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Công tác bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hóa, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn, huyện Yên Châu tăng cường công tác chỉ đạo thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò của các nghệ nhân tiêu biểu trong cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, xây dựng hình ảnh con người, mảnh đất Yên Châu thân thiện, giàu bản sắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!