Mỗi lần về vùng hồ sông Đà thuộc các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ được nghe những lời đối đáp bằng “lời đang”, câu ví của dân tộc Mường tại các cuộc giao lưu, lễ hội, mới thấy sức hút kỳ diệu của văn hóa ứng xử, đối đáp tài tình, dí dỏm rất trí tuệ, tạo nên giá trị văn hóa tinh thần riêng có trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường.
Hát Đang trở thành nét văn hóa được thể hiện tại các liên hoan, hội diễn.
Văn hóa đối đáp bằng lời “đang”, câu ví của người Mường có nhiều thể loại: “Đang vần va”, “đang tồn”, “đang cách mạng”, “đang chào hỏi”, “đang ca ngợi quê hương đổi mới”, “đang đối đáp tình yêu lứa đôi” và hát ví giao duyên. “Đang” đã có từ lâu đời, do các nghệ nhân dân gian Mường sáng tác, hoàn thiện và lưu truyền. Trừ hát “đang vần va” thiên về truyền thuyết, nhân gian, vũ trụ, vòng đời, còn lại các dòng “đang” khác thể hiện lối văn hóa ứng xử, cách đối nhân xử thế. Những lời đối đáp rất trí tuệ nhưng vẫn nhẹ nhàng, khéo léo đi sâu vào nội tâm. Vốn có nguồn cội thuộc dòng văn hóa “Việt - Mường” nên những giai thoại đối đáp, ví von đều đan xen những câu ca dao, tục ngữ hai dân tộc, có sự chắt lọc phù hợp với cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán, nghi thức lễ hội của dân tộc Mường trong một vùng nhất định. Phần lớn những lời thoại “có cánh”, thu phục lòng người, thường được các ông, các bà, các anh, chị thanh niên đem ra đối đáp tại các cuộc giao lưu, lễ hội ở khắp bản trên, mường dưới.
Văn hóa đối đáp trong “đang” Mường, hát ví giao duyên đều có nội dung đa dạng, phong phú, phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người trong xã hội. Tình yêu lứa đôi thường được thể hiện thông qua hình thức ví von, so sánh, là thông điệp gửi trao bằng những ca từ trữ tình đằm thắm, có sức lan tỏa, tạo thành hệ thống văn hóa ứng xử truyền miệng có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân tộc Mường.
Chẳng hạn chào khách đến thăm nhà, người Mường hay dùng câu: “Sao hôm nay có người lạc lối qua lều rách mình thế/Nếu không chê chiếu rách, chè nhạt, sàn thủng thì mời lên chơi”; hoặc lời chào xã giao mở tiệc tiếp khách: “Đáng lẽ gia đình phải có tiệc “đầy mâm - dâm cỗ” thết khách mới hay mới phải/Nhưng lòng hay mà tay áo ngắn/Mong quý khách thương lấy gia đình/Để gia đình bén lộc quý khách ăn nên làm ra”. Trong hát ví đối đáp giao duyên ngỏ lời thăm dò đối phương: “Cô kia mặc áo hồng hồng/Hỏi thăm bên ấy có chồng hay chưa?”. Nếu cô gái đã có chồng, nhưng không muốn làm người ngỏ lời thất vọng, thì sẽ đáp lại: “Có chồng em để ở nhà/Ra đường bên ấy vẫn là đương xuân”. Trong văn hóa đối đáp giao duyên, người Mường còn dùng hình tượng cây trồng, vật nuôi để “hỏi thăm” đối phương về trình độ đối đáp, buộc đối phương cũng phải dùng những từ hoa mỹ, sáng tạo phù hợp để đáp lại, ví như: “Nghe đồn rằng, đất mường ấy đất mầu, đất mỡ/Cơm mường ấy phơi khô còn nên gieo mạ/Cá phơi khô đem đi thả ao, cá còn sống lại”, thì người đối cũng từ tốn đáp: “Đừng nghe đồn mà lòng mường này thêm đau/Đất mường này đất cằn sỏi đá/Cá mường này không như lời đồn đại/Gái mường này không xinh như lời đồn thổi/ Xôi mường này đã cứng lại khô”.v.v. còn rất nhiều lời hay, ý đẹp trong lối văn hóa ứng xử của người Mường mà phạm vi bài viết không thể nêu hết. Có những tiệc vui, hai bên đối đáp ngang tài, ngang sức, kéo dài thâu đêm; có cuộc bên lép vế đành bó tay xin thua để về tu luyện thêm những mong dịp sau tái đấu.
Những khúc “đang Mường”, câu ví trữ tình đằm thắm nay đã trở thành lời chào khách quý khi gặp gỡ; thành lời mời cơm, mời rượu trong tiệc tùng; thành lời tỏ tình khi trai gái yêu nhau; thành lời đối đáp rất văn hóa trong lễ ăn hỏi, lễ cưới. Hiện nay, văn hóa ứng xử của người Mường vùng ven sông Đà luôn được duy trì, phát triển, góp phần bảo tồn, bổ sung vào nguồn kho tàng văn hóa phi vật thể đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc. Đây sẽ là nét văn hóa hấp dẫn níu kéo du khách khi đến thăm các bản vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!