Nhắc đến Sơn La là nói đến một vùng văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của nhiều dân tộc anh em.
Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, ngành đã tham mưu cho tỉnh tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị. Các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La được định hình rõ nét.
Công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể được quan tâm. Đến nay, tỉnh Sơn La có 89 di tích văn hóa vật thể được phê duyệt đưa vào danh mục, trong đó có 63 di tích được xếp hạng; gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh. Giai đoạn 2015-2022, tỉnh ta đã triển khai bảo quản, tu bổ, phục hồi 16 di tích lịch sử cách mạng quốc gia. Tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào; Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi; Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ; Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, Phù Yên...
Bảo tàng tỉnh nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La đang lưu giữ, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa với 23.916 tư liệu hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương và quốc gia; trong đó, có 10.920 hiện vật và 12.996 tư liệu phim, ảnh, gồm: Các bộ sưu tập về hiện vật các dân tộc, khảo cổ học, lịch sử - văn hóa; hiện vật kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; sách chữ Thái cổ, chữ Dao cổ; kho di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; hồ sơ tù chính trị...
Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chia sẻ: Bảo tàng tỉnh đã thực hiện đổi mới hoạt động trưng bày triển lãm chuyên đề, chú trọng công tác thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật; thay đổi cách nghiên cứu tư liệu, khai thác thông tin. Từng bước số hóa tư liệu, hiện vật phục vụ công tác bảo quản và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hoạt động bảo tàng. Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện 90 cuộc giáo dục truyền thống, thu hút trên 10.000 giáo viên, học sinh, chiến sỹ tham gia; đón tiếp, phục vụ hơn 230 nghìn lượt khách đến tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể, những năm qua, đã kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng, theo 7 loại hình, gồm: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; nghề thủ công truyền thống; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Đến nay, tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, cuối năm 2021, Sơn La và các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái tự hào khi được UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa, tỉnh ta quan tâm đến các văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian. Hiện nay, tỉnh Sơn La tỉnh có 1 nghệ sỹ nhân dân, 20 nghệ sỹ ưu tú thuộc các chuyên ngành nghệ thuật; có 28 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, tỉnh còn tổ chức cho các nghệ nhân, đội văn nghệ tham gia trình diễn dân ca, dân vũ, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống và các lễ hội, lễ nghi của tỉnh được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam và tham dự các liên hoan văn hóa, văn nghệ khu vực, toàn quốc...
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong tỉnh đã phát triển mạnh mẽ, toàn tỉnh có hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng bản, tiểu khu, tổ dân phố hoạt động thường xuyên, giữ gìn nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế du lịch được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch Mộc Châu theo hướng bền vững. Cùng với tổ chức nhiều ngày hội trong năm, huyện còn hỗ trợ kinh phí để phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc, tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Sơn La đang được bảo tồn và phát huy, khơi dậy lòng tự hào của mỗi dân tộc về di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, tích cực tham gia gìn giữ và phát triển để di sản văn hóa dân tộc sống mãi với thời gian.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!