Hua Nhàn, mảnh đất vùng cao của huyện Bắc Yên có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, di tích lịch sử Đèo Chẹn hào hùng, hồ sen trên núi nên thơ... Nơi đây còn lưu giữ đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc và nghề se lanh, dệt vải của phụ nữ Mông đã trở thành nét đẹp độc đáo.
Những ngày tháng 8, nhiều bản làng trên rẻo cao Hua Nhàn lại nhộn nhịp bước vào mùa thu hái và làm lanh để dệt những bộ trang phục truyền thống vô cùng độc đáo của dân tộc Mông.
Phụ nữ bản Hua Noong, xã Hua Nhàn (Bắc Yên) tranh thủ thêu trang phục lúc nông nhàn.
Không ai nhớ nghề se lanh, dệt vải có từ bao giờ, nhưng dường như, bất cứ người phụ nữ Mông nào nơi đây cũng biết thêu thùa, may vá và sử dụng trang phục dân tộc trong cuộc sống sinh hoạt, sản xuất.
Ấp ủ niềm tin giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc, tháng 10/2019, chị em phụ nữ bản Hua Noong, xã Hua Nhàn đã thành lập tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông. Chị Mùa Thị Tồng, Tổ trưởng Tổ liên kết, chia sẻ: Ngay sau khi thành lập, chúng tôi vận động chị em mở rộng diện tích trồng lanh phục vụ làm vải; 23 thành viên trong tổ liên kết giúp nhau về kỹ thuật, truyền dạy, chia sẻ kinh nghiệm trồng lanh, dệt vải cho con cháu trong bản, trong xã.
Thành viên tổ liên kết thêu may trang phục dân tộc Mông bản Hua Noong thực hiện các công đoạn làm trang phục truyền thống từ cây lanh.
Trang phục truyền thống của đồng bào Mông có áo, váy, áo xẻ ngực, tạp dề, xà cạp quấn chân. Để hoàn thiện một bộ trang phục, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, đòi hỏi sự nhẫn nại, bền bỉ của người phụ nữ, từ việc trồng lanh, thu hoạch, giặt, phơi khô, tước vỏ cho đến se sợi, lên khung, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu may...
Các thành viên Tổ liên kết thêu, may trang phục dân tộc Mông bản Hua Nong phơi cây lanh sau khi thu hoạch.
Sau khi phơi khô, cây lanh được tước thành những sợi nhỏ.
Sợi lanh được giã mềm rồi nối lại, khéo léo cuốn thành từng cuộn
Sợi lanh được luộc mềm và tiếp tục phơi khô.
Một trong những công đoạn đòi hỏi tỉ mỉ, khéo léo nhất là tạo hoa văn sáp ong trên vải.
Sáp ong được đun nóng chảy, đặt trên chậu than nóng liên tục trong quá trình vẽ hoa văn
Sử dụng lá đồng bé hình tam giác nẹp vào thanh tre để vẽ họa tiết trên nền vải.
Về Hua Nhàn, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông say sưa ngồi làm lanh trước hiên nhà, tranh thủ thêu vải trong phút nghỉ ngơi trên nương, cũng có những bé gái thích thú học mẹ dệt vải bên khung cửi… Đến trước Tết khoảng 1-2 tháng, chị em phụ nữ sẽ dành nhiều thời gian hoàn thiện trang phục cho bản thân và các thành viên trong gia đình đón Tết, vui xuân.
Những bé gái trong bản cũng say sưa học thêu từ các bà, các mẹ.
Bà Vàng Thị Cha, Chủ tịch Hội LHPN xã Hua Nhàn (Bắc Yên), cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 tổ liên kết thêu, may trang phục truyền thống của phụ nữ tại bản Hua Noong và bản Trông Dê. Các sản phẩm do chị em làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu của bản thân và gia đình, mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Các tổ liên kết cũng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp Hội trong việc quảng bá, giới thiệu, liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần giúp các hội viên có thêm thu nhập và cuộc sống no ấm.
Gian trưng bày các sản phẩm vài thổ cẩm của Tổ liên kết thêu, may trang phục dân tộc Mông, bản Hua Noong, xã Hua Nhàn (Bắc Yên).
Bằng tâm huyết và trách nhiệm, những người phụ nữ vùng cao Hua Nhàn đang cùng nhau gìn giữ nét đẹp truyền thống ấy. Bởi với họ, se lanh, dệt vải là dệt cả những ước mơ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!