Cúng cơm mới - nét văn hóa truyền thống ở vùng cao

Từ bao đời nay, bông lúa vẫn luôn là hiện thân của sự no đủ, êm ấm trong đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao. “Hồn lúa” hiện diện rõ nét trong quan niệm và tín ngưỡng của các dân tộc ở miền núi, được đồng bào tôn trọng và cung kính muôn phần. Tục cúng cơm mới cũng xuất phát từ quan niệm ấy, trở thành một nhu cầu không thể thiếu mỗi mùa lúa chín, in đậm trong văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc gắn bó với ruộng nương nơi đại ngàn Tây Bắc, là một cách thức biểu đạt sinh động cho ý nghĩa tạ ơn mùa vụ, đất đai mang tới no ấm cho mỗi gia đình.

 

Lễ cúng cơm mới tại Lễ hội mừng cơm mới, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Đối với đồng bào các dân tộc ở Sơn La - Tây Bắc, cúng cơm mới là một nét văn hóa mang màu sắc riêng, gắn với tín ngưỡng, tâm linh của mỗi cộng đồng. Dù khác nhau về tiếng nói, trang phục và cả văn hóa, nhưng quan niệm về cây lúa có hồn, có vía đã trở thành một quan niệm chung mà dân tộc nào ở vùng cao cũng có. Từ xa xưa, khi cây lúa là cây trồng chủ đạo, là nguồn lương thực chính của mỗi gia đình, việc được mùa hay thất bát phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, thì quan niệm ấy càng được đề cao. Rằng, hồn lúa rất linh thiêng và được tôn kính như một biểu tượng siêu nhiên, giữ được hồn lúa là sẽ có vụ mùa no ấm, bông lúa trĩu mẩy, thóc căng đầy bồ, không giữ được hồn lúa thì năm ấy thóc lép, chuột phá, nhà nhà chỉ có bữa cơm độn sắn, độn ngô qua ngày.

Là một già làng của bản Phiêng Đón, xã Tân Lập (Mộc Châu), ông Bàn Văn Lồi luôn là người được các gia đình dân tộc Dao trong vùng mời đến chủ trì cúng lễ mừng cơm mới. Ông nói: Với dân tộc Dao, “hồn lúa”, “vía lúa” quan trọng như gốc rễ của sự sống. Ấy vậy nên, mùa gặt đối với đồng bào miền núi luôn có những nghi thức gắn với quan niệm ấy và được thực hiện một cách trân trọng, cẩn thận. Đến vụ gặt, chủ nhà thường phải chọn ra vài khóm lúa ra bông đều, mẩy, trĩu nặng nhất trên nương rồi dùng dây rừng buộc ngang chừng, bện chặt lá lúa lại với nhau và để gặt sau cùng, với ý nghĩa giữ “hồn lúa” ở lại cho năm sau.

Các dân tộc khác cũng đều có những nghi thức gần tương tự như vậy. Như đồng bào Thái vẫn nhắc nhau “Được nắm xôi ngon chớ quên ruộng/Được khúc cá bùi chớ quên suối”, nên cứ đến mùa lúa chín, việc đầu tiên là phải lên nương chọn những bông lúa đẹp nhất cắt đem về làm lễ cúng cơm mới, với ý niệm đón “hồn lúa” về dự lễ phù hộ cho năm sau mùa màng thêm tốt tươi. Tục lệ cúng cơm mới của mỗi dân tộc cũng có những cách thức thể hiện khác nhau và không quá cầu kỳ hay rườm rà phức tạp như những lễ hội truyền thống khác. Thời điểm cúng cơm mới không ấn định cụ thể ngày nào trong năm, mà thường vào khoảng tháng 9, tháng 10 tùy thời gian lúa chín.

Bà Quàng Thị Bưởng, Chiềng Cơi (Thành phố) cho biết: Ngày làm lễ cũng cơm mới phải chọn ngày đẹp trong tháng. Vào ngày này, gia đình nào dù khá giả hay thiếu thốn cũng cố gắng chuẩn bị một mâm cỗ tươm tất, có cơm nấu từ gạo mới, có xôi, có cốm, thịt, rượu,... để mời ông bà, tổ tiên về mừng cơm mới cùng con cháu. Ý nghĩa lớn nhất của nghi lễ này là tạ ơn trời đất một năm mưa thuận gió hòa để nhà nhà, làng bản được mùa ấm no, cầu cho năm tới, hồn lúa thương tình cho bông lúa thêm nặng hạt, mùa màng thêm bội thu, đời sống mỗi gia đình thêm khấm khá.

Lễ cúng cơm mới như một nghi thức không thể thiếu ở nhiều bản vùng cao trong mùa thu hoạch cuối năm, được coi như một nghi lễ để khép lại một năm cày cấy, gieo trồng trên nương, dưới ruộng, cảm tạ đất trời, thần linh năm qua đã ủng hộ. Dù mùa lúa có bội thu hay thất thu, được nhiều hay ít thì lễ mừng cơm mới vẫn phải tổ chức như cách để đồng bào các dân tộc nơi đây tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, trời đất. Đầu năm, bắt đầu ra giêng là thời điểm các lễ hội cầu mùa, cầu mưa được tổ chức để thay cho tiếng lòng của con cháu cầu cho một năm thuận lợi, cầu được mùa ngô, mùa lúa, cầu cho cuộc sống bản làng no đủ, yên ấm, an vui.

Ngày nay, với việc ứng dụng cơ giới hóa, giống mới và kỹ thuật canh tác mới, công việc đồng áng không còn vất vả như trước, bà con nông dân không chỉ trông chờ hoàn toàn vào thời tiết, điều kiện tự nhiên, mà còn chủ động các biện pháp nâng cao chất lượng, sản lượng lúa. Thế nhưng, tục lệ cúng cơm mới vẫn được bà con các dân tộc vùng cao gìn giữ và được thực hiện đúng nghi thức, chỉ khác là mâm cỗ mừng lúa mới được chuẩn bị cầu kỳ, thịnh soạn hơn so với trước đây, vừa thể hiện đạo lý nguồn cội và giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa khẳng định, cuộc sống của bà con các dân tộc miền núi ngày càng ấm no.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II thành công tốt đẹp

    Thể thao -
    Qua 2 ngày thi đấu, tranh tài quyết liệt ở 5 nội dung: 2km, 5km, 10km, 21km và 42km của gần 15.000 vận động viên (VĐV) trong nước và quốc tế, sáng 24-11, Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II, năm 2024, do Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) chủ trì và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Đồng Xoài, Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức, Tập đoàn Trường Tươi là nhà tài trợ chính của giải, đã diễn ra an toàn, thành công tốt đẹp.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 25/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông; khoảng đêm 25/11 được tăng cường mạnh. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ít thay đổi. Thời tiết: Nhiều mây, không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, trời lạnh, vùng núi cao trời rét.
  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).