Có lần được theo đoàn công tác của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường La đi tuyên truyền và biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con di dân tái định cư thủy điện Sơn La, về xã Ngọc Chiến (Mường La), tôi lấy làm lạ, công việc bộn bề là vậy, nhưng khi nghe tin có anh Cầm Vui đến biểu diễn văn nghệ là bà con đều háo hức, thu xếp đến xem bằng được.
Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui (áo trắng) đang truyền dạy nhạc cụ dân tộc.
Anh Cầm Vui sinh năm 1957, dân tộc Thái, quê ở xã Mường Trai (Mường La), hiện đang công tác tại Phòng VH&TT huyện Mường La; là hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La, được phòng VH&TT huyện phân công phụ trách mảng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình. Với năng khiếu, khả năng và sở trường của mình, anh luôn phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền, phản ánh chân thực cuộc sống bằng sự sáng tạo, dí dỏm, hài hước từ chính giá trị văn hóa Thái. Các tiểu phẩm về “sinh đẻ có kế hoạch” hay phê phán cái cổ hủ, tụt hậu trong xây dựng văn hóa được đông đảo bà con trong huyện cổ vũ mỗi lần nghe anh thể hiện. Gần 40 năm nay, anh luôn tích cực nghiên cứu, sưu tầm và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của người dân tộc Thái, nhất là các ca từ đa nghĩa, ví von, ẩn dụ, dùng hình tượng này để nói lên vấn đề kia, nhẹ nhàng, truyền cảm để hướng người nghe tới điều tốt đẹp hơn...
Cũng chính từ đam mê nghiên cứu văn hóa dân tộc Thái, nên đến nay, anh đã sưu tầm được trên 50 bản sách chữ Thái cổ, gồm: 10 bản sách lễ hội, 11 bản sách tín ngưỡng, 30 bản sách truyện thơ ca. Sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy 10 loại nhạc cụ dân tộc Thái, Mông, La Ha gồm: Tính tẩu, so lo (nhị), khèn bè, pí pặp, pí đôi, pí thiu, pí tam lay, tam tặn, pí lào luông, lào nọi... cùng các điệu hát, múa dân gian như: Múa khăn piêu, múa tính tẩu, má hính, múa xòe của dân tộc Thái; múa hưn mạy, tăng bu của dân tộc La Ha, Kháng, múa khèn của dân tộc Mông; hát gọi bạn đêm trăng, hát ném còn, hát chào hỏi, hát chơi Hạn khuống, hát đối đáp, hát thách đố vui... cho hơn 300 người là các nghệ nhân dân gian, văn nghệ quần chúng ở các xã, các bản trong huyện.
Đồng thời, nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, thực hành và phổ biến 28 truyện thơ, trường ca bằng tiếng Thái cổ, như: Sống chụ son sao; Tản chú sống sương; Hiến hom; Khun Lú - Nàng Ủa; Ý Nọi - Nàng Xưa; Ý Đón - Ý Đăm; Sông Ca - Si Cáy; khảo tả, phổ biến cách thức tổ chức 9 lễ hội của dân tộc Thái: Xên bản, Xên mường, Xên đông, Xên lẩu nó, Lên nhà mới, cầu mưa, mừng cơm mới, hội bắt cá; lưu giữ, thực hành và phổ biến 60 bài cúng tiễn tâm linh trong các lễ nghi liên quan đến vòng đời của dân tộc Thái... Mặt khác, anh đã dịch được 22 bản sách chữ Thái cổ và gửi Viện nghiên cứu văn hóa Trung ương; 10 kịch bản lễ hội và thơ ca có giá trị nghệ thuật và có tính tư tưởng giáo dục cao được đưa vào phục dựng tại các xã, bản trong huyện.
Với những cống hiến của mình, anh đã được Trung tâm KHXH&NV Quốc gia tặng Bằng khen về thành tích tham gia trình diễn và hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng giải Nhì tác phẩm “Văn hóa tộc người Thái Tây Bắc trong thời kỳ đổi mới”; Bộ Văn hóa, TT&DL tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa”; Tổng Liên đoàn Lao động tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp công đoàn”; Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tặng Bằng khen về giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; đoạt giải thưởng sáng tác hay nhất tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Sơn La năm 1996; năm 2015 được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!