20/11 ở vùng cao

Không hoa, không quà như nơi phố thị đông đúc trong mỗi dịp 20/11, đối với những giáo viên vùng cao Sốp Cộp, mỗi học sinh của mình đều biết cái chữ, chăm ngoan là món quà vô giá đối với họ, đó cũng là động lực để họ gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao biên giới.

 

Giờ thể dục của cô trò điểm trường Nậm Lạn, Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn (Sốp Cộp).

 

Đã từng đặt chân đến nhiều nơi để chứng kiến những vất vả, khó khăn trên con đường dạy chữ của các giáo viên vùng cao. Nhưng ở vùng biên giới Sốp Cộp luôn để lại cho tôi những trăn trở bởi những nhọc nhằn nơi đây. Đường đến trường của thầy cô và trò luôn là những cung đường gập ghềnh cheo leo trên sườn núi; lớp học nhỏ bám vào vách đất để tránh đi cái lạnh giá của mùa đông. Và trong những ngày tháng 11 này chúng tôi có dịp tới thăm Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn - nơi có 18 điểm trường, trên 1.000 học sinh. Ở đây tỷ lệ hộ nghèo cao cũng vì thế mà việc dạy và học cũng gặp không ít khó khăn. Cô giáo Lò Thị Vấn, nhà cô ở tận Thuận Châu, được phân công về công tác tại đây cách đây 3 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc. Ngày đầu nhận công tác, một mình với chiếc xe máy vượt qua quãng đường gần 200 cây số để đến với những đứa trẻ vùng cao biên giới của huyện Sốp Cộp. Hình ảnh những đứa trẻ nhem nhuốc, mong manh áo mỏng trong cái lạnh như cắt, bàn chân đất bé xíu bước trên sỏi đá bùn lầy để đến trường đã khiến cô có thêm quyết tâm gắn bó với con trẻ nơi vùng cao biên giới này.

Cô Vấn nhớ lại: Ngày đầu được phân công giảng dạy ở điểm trường bản Pu Hao, giáp với biên giới Việt - Lào, vừa đến cổng trường, tụi trẻ khoanh tay ngọng nghịu “Con chào cô giáo ạ” khiến tôi vui lắm, bởi chúng cho tôi cảm giác chính thức được làm cô giáo. Vùng cao lạnh như vậy mà chẳng bé nào có áo ấm mặc, chân cũng không có giày dép, thương lắm. Nhưng điều mừng nhất là khi biết có cô giáo trẻ về bản nhiều phụ huynh khoác lù cở đem rau rừng, bí ngô cho cô giáo. Sự chân thành mộc mạc của người dân nơi đây thật cảm động. Ngày 20/11 đầu tiên năm ấy, được học sinh tặng hoa dã quỳ vàng tươi, khiến tôi bật khóc vì thật hạnh phúc.

Nói về nghề và về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô giáo Tòng Thị Quyên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp, có nhiều cảm nhận đặc biệt, bởi sự mộc mạc, chân thành của học sinh nơi biên giới còn nhiều khó khăn này. Ngày 20/11 của thầy cô giáo vùng cao đơn sơ, giản dị mà ấm áp vô cùng, giáo viên thường tự mình mua bánh kẹo để cùng học sinh vui chung. Cũng không thể thiếu những bó rau rừng, ớt nhà trồng, giò phong lan, chai mật ong rừng mà phụ huynh kiếm được, hay những bó hoa dại được những học sinh thân yêu hái tặng, những câu hát còn chưa sõi... khiến ai cũng xúc động. Cô Quyên kể lại: Nhớ nhất là năm 2001, khi đó dạy học ở điểm trường tiểu học ở bản Cang Cói, xã Mường Lạn. Ngày 20/11, ngoài hoa rừng thì mấy học sinh nữ còn tặng cô mấy quả ổi, cam và vài khúc mía góp cùng với bánh kẹo của cô để chúc mừng. “Bữa tiệc” cùng học trò ngày 20/11 thật thân thương và ấm áp.

Không chỉ ở Mường Lạn, các xã Sam Kha, Púng Bánh, Nậm Lạnh hay Mường Lèo của huyện Sốp Cộp đều còn đó những khó khăn trên chặng đường “cõng chữ” lên non của giáo viên nơi đây. Trong ngày truyền thống của mình, họ chưa một lần đòi hỏi, chưa một lần so sánh. Với họ, được dân bản quý mến, trẻ đến trường đầy đủ, học trò biết cái chữ và tin yêu thầy cô giáo là những món quà, là hạnh phúc vô bờ bến.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới