“Con đi cứu vạn lá xanh” – lời thơ xúc động của Nguyễn Hồng Vinh

Câu chuyện của nữ bác sĩ đi vào tâm dịch Sài Gòn khi cha sắp mất trong bài thơ mới của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là sự chiêm nghiệm sâu sắc về hạnh phúc.

Bài thơ “Hạnh phúc từ trải nghiệm” của Nguyễn Hồng Vinh chỉ có 4 khổ thơ tự do, nhưng được cấu trúc hợp lý. Khổ trước là “bệ đỡ” cho khổ sau, tất cả làm bật một chủ đề được công chúng quan tâm: Hạnh phúc không tự dưng mà có, nó được hình thành, lớn lên và trường tồn qua trải nghiệm thời gian và thử thách từ thực tiễn.

        

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Vinh.

   

Để chứng minh cho tứ thơ sâu xa ấy, tác giả xây dựng ba tuyến nhân vật mang những tâm trạng khác nhau: Người cha đã ngoài tuổi tám mươi, cặp vợ chồng trẻ, người vợ công tác trong ngành y được điều động vào phục vụ ở tâm dịch thành phố Hồ chí Minh.

Khổ thơ thứ nhất làm người đọc xót xa, đồng cảm với người con dâu đang làm nhiệm vụ cấp cứu thì nhận được tin chẳng lành:

Đêm trong phòng cấp cứu

Nhận tin cha qua đời

Chỉ biết gạt nước mắt

Vì đường quá xa xôi

Nguyện mong cha thứ lỗi!

           

Cái khéo của tác giả là không sa đà nói về sự dằn vặt, bi lụy, dẫn đến sự chán chường việc chung, bởi lời tâm sự của cha khi người con dâu vào bệnh viện thăm chào tạm biệt đã gieo vào lòng cô cách nhìn nhận đúng đắn về cuộc đời, về lẽ sống, về ý nghĩa tử sinh. Cô coi đó như một "tuyên ngôn" tiếp sức sống cho mình suy nghĩ và hành động vì lẽ phải: 

Cha đã ngoài bát thập

Sinh - tử lẽ thường tình

Một lá vàng có rụng

Đừng âu lo, con đi cứu vạn lá xanh!

           

Đây là lời gan ruột của người cha nói với nàng dâu trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng, có hàng ngàn người trẻ (lá xanh) đang bị dịch Covid-19 rập rình cướp đi mạng sống. Vì vậy, dùng tình thương và trí tuệ để cứu sự sống của họ thì sự ra đi của cha (một lá vàng) không thể đặt ngang nhau. Xét trên bình diện truyền thống “nghĩa tử là nghĩa tận” thì nàng dâu chờ cha về cõi âm rồi mới vào thành phố Hồ Chí Minh sẽ hợp với đạo lý, nhưng với tư tưởng mới mẻ, người cha động viên con hãy xua đi nỗi vấn vương ấy để dũng cảm lên đường đúng hẹn, là việc làm vô cùng cao thượng. Lời dặn dò ấy đã lý giải mọi suy nghĩ của cô bác sĩ đối với người bố chồng.

Sang khổ thơ sau, tác giả Nguyễn Hồng Vinh dẫn người đọc tới sự bất ngờ khác, đó là tâm trạng người chồng khi vợ đi xa: 

Thủ đô kéo dài giãn cách 

Một mình trong nhà vắng lạnh

Anh giở tập thư đã ố vàng 

Tái hiện bao hoài niệm thiêng liêng 

Ngày đầu yêu nhau thề nguyện…

           

Ở đây, cái phi lý lại thành cái hợp lý, bởi lẽ ra, người chồng phải động viên vợ vượt qua nỗi mất mát, thương đau xảy ra thì anh lại giở những tập thư xưa, những tấm ảnh cũ đã ố vàng để tự mình hoài niệm về những tháng năm tìm hiểu, rồi đi đến yêu nhau và hôn nhân. Đặt trong bối cảnh một mình vò võ trong nhà, thực hiện phương châm giãn cách xã hội “ở đâu – ở đó”, “ở trong nhà là yêu nước”, người đọc càng cảm thông và đánh giá cao hành động của người chồng: Coi những vật kỷ niệm thiêng liêng ngày đầu là lời nhắn nhủ mình phải sống xứng đáng “chí làm trai”, phải tự vượt qua trống vắng để người vợ yên tâm, toàn tâm vì công việc cấp cứu người bệnh.

           

Khổ thơ tiếp theo là lời tâm sự chân thành, tha thiết của người vợ đã biết chồng mình cũng đang nén dồn nỗi nhớ, hướng nghĩ suy, tình cảm mặn nồng dành cho vợ. Cô hiểu thêm ý nghĩa sâu xa của sự trải nghiệm quý báu đã ánh lên niềm hạnh phúc được hình thành, gìn giữ trong gian nan thử thách nơi xa:

Sống xa cách, càng sáng thêm trải nghiệm 

Trong hiểm nguy, gian khó bội phần 

Từng phút, từng giây nén chặt niềm thương 

Đất nước sớm bình yên

Em coi đó là cội nguồn Hạnh phúc!

           

Và ở khổ kết là sự “gói lại” tất cả nghĩ suy, cách xử thế hằng ngày của cả hai người để giữ mãi ngọn lửa nồng hạnh phúc. Chữ “hạnh phúc” ở đây còn được hiểu là của đất nước khi mỗi người góp sức, chung tay đẩy lui đại dịch, giành lại bình yên cuộc sống. Chắc ở nơi suối vàng, vong linh người cha thanh thản:

Anh vượt qua trống vắng, cô đơn

Ngày gặp nhau sẽ tới 

Cùng ra mộ Cha thắp nhang tạ lỗi!...

           

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến câu Các Mác trả lời khi con gái hỏi: “Thưa cha, hạnh phúc là gì?”, Mác trả lời: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Trong phạm vi quan hệ con người với con người, thì hạnh phúc là cuộc đấu tranh tự vượt lên chính mình, biết hy sinh cái riêng để vun đắp cái chung; là ý thức đấu tranh dẹp cái ác, xây cái thiện – tất cả vì mọi điều tốt đẹp của cuộc sống con người. Đấy cũng là cội nguồn đắp bồi hạnh phúc lứa đôi!

           

Đinh Viên (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới