Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 410 xã thuộc 40 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 17.400 con. Trong đó, 44 xã của 13 tỉnh, thành phố có dịch lở mồm long móng; 34 tỉnh, thành phố đã phát hiện động vật nghi mắc bệnh dại; trên 60 xã của 9 tỉnh có dịch viêm da nổi cục; 7 tỉnh xảy ra cúm gia cầm A/H5N1, buộc tiêu hủy trên 12.000 con gia cầm.

Giọng nữ

Tại Sơn La, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 47 lượt tổ, bản; 28 lượt xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố, làm 977 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 40 tấn. Bệnh lở mồm long móng ở vật nuôi xảy ra tại 7 lượt tổ, bản của 4 lượt xã, phường, thị trấn, thuộc các huyện: Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu và Sốp Cộp, làm 352 con trâu, bò nhiễm bệnh. Bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 11 hộ, ở 1 bản của xã Liên Hòa, huyện Vân Hồ, làm 11 con bò bị mắc bệnh.

Trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm tiếp tục phát sinh và lây lan rất lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, nguồn cung thực phẩm, sức khỏe người dân và môi trường. Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Phân công lực lượng chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận bản, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn vật nuôi được tiêm phòng, nhất là đối với bệnh nguy hiểm, như: bệnh dại, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi... Cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Tổ chức lấy mẫu giám sát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện sớm, cảnh báo sớm dịch bệnh và hướng dẫn các địa phương thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả; lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đánh giá hiệu quả công tác tiêm phòng.

Các cơ quan chức năng phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán động vật và sản phẩm động vật vào địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật không đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên tuyến biên giới. Tổ chức ứng phó kịp thời bao vây dập tắt các ổ dịch khi mới xảy ra trong diện hẹp.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nâng cao nhận thức cho nhân dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, sự nguy hiểm của dịch bệnh động vật và tác hại khi buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới