Ứng dụng thiết bị tiên tiến trong may công nghiệp

Với mục đích giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm may công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, năm 2018, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong may công nghiệp” cho một số công ty may trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm điều kiện sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển thương hiệu hàng may mặc trên thị trường.

Trung tâm Khuyến công tỉnh bàn giao máy thùa đầu tròn điện tử Brother

cho Công ty cổ phần may Tiên Sơn (Mường La).

Tìm hiểu tại Công ty cổ phần may Tiên Sơn (Mường La) được biết, Công ty thành lập tháng 4/2016. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, hiện Công ty có hơn 100 công nhân làm việc thường xuyên. Để đáp ứng mục tiêu sản xuất, Công ty đã đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng mua sắm máy móc thiết bị hiện đại với công suất 1,9 triệu sản phẩm/năm. Công ty đã đầu tư máy thùa đầu tròn điện tử Brother 9820 và máy ép mếch Hasaka HS 500MS với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng, trong đó, Trung tâm Khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng. Máy thùa đầu tròn điện tử 9820 được tối ưu cấu trúc máy làm cho tốc độ máy được nâng lên tối đa lên đến 2.500 vòng/phút. Máy ép mếch được sử dụng trong công đoạn gia công để làm đẹp, cứng một số chi tiết, bộ phận như cổ áo, măng séc, nắp túi, thân áo jacket... Máy hoạt động liên hoàn, không ngừng nghỉ, do đó tiết kiệm được thời gian, phù hợp với nhiều loại vật liệu khác nhau, góp phần tạo ra 1,3 triệu sản phẩm/năm; chất lượng đồng đều, giảm phế phẩm. Giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn ở Mường La, khu vực lân cận, đặc biệt là người lao động thuộc diện tái định cư thủy điện Sơn La với mức thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.

Ông Dương Ngô Luận, Giám đốc Công ty cổ phần may Tiên Sơn cho biết: Trước đây khi chưa ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong may công nghiệp, Công ty gặp không ít khó khăn về sản xuất, như hiệu suất lao động không cao, chất lượng sản phẩm không được tốt, chi phí nhân công lớn; mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Cùng với việc đầu tư may mặc, được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ mua 2 máy thùa đầu tròn điện tử và máy ép mếch tiên tiến đưa vào hoạt động thử nghiệm đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, trung bình mỗi ngày tạo ra 716 sản phẩm, chi phí nhân công giảm 50%.

Tại Công ty TNHH may Phù Yên, Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong may công nghiệp” hỗ trợ 4 máy đính bọ điện tử và 3 máy đính cúc điện tử (trị giá 420 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công quốc gia hỗ trợ 200 triệu đồng) là bộ phận cấu thành trong dây chuyền sản xuất đồ may mặc, được sử dụng để gắn các chi tiết lên sản phẩm may, như các loại cúc, móc, di bọ ở các vị trí góc,… Máy đính cúc điện tử có bộ nhớ trong, có thể nhớ được đến 50 mẫu may khác nhau và có thể mở rộng lên đến 200 mẫu may, còn máy đính bọ điện tử có bộ nhớ trong có thể lưu trữ được đến trên 500 mẫu may. Tốc độ máy được nâng lên giúp làm giảm thời gian may so với máy cơ. Nhờ đó, góp phần giúp hoàn thiện sản xuất được 300 nghìn đến 400 nghìn sản phẩm/năm.

Đánh giá về Đề án, đồng chí Hà Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh, cho biết: Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong may công nghiệp” là một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai hiệu quả chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất may công nghiệp tại Công ty cổ phần may Tiên Sơn và Công ty TNHH may Phù Yên giúp doanh nghiệp nâng cao tính chủ động trong sản xuất, đáp ứng tốt nhất về năng suất, chất lượng, mẫu mã, tiến độ thực hiện các đơn đặt hàng. Nhờ đó, uy tín, thương hiệu của công ty trên thị trường được khẳng định, số lượng đơn đặt hàng trong và ngoài nước của công ty sẽ ngày càng tăng lên.

A Mua (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới