Quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm

Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm của tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm đó ra thị trường. Thương hiệu ngoài yếu tố thương mại được nhấn mạnh còn nhắc đến sự xác định rõ ràng về nguồn gốc của hàng hóa. Một thương hiệu thành công đánh dấu một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh bền vững. Thương hiệu còn là sự cam kết của người sản xuất, kinh doanh đối với người tiêu dùng về uy tín, chất lượng, độ an toàn.

Dây chuyền sản xuất, đóng gói sản phẩm sữa của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.   Ảnh: Minh Đức

 

Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều sản phẩm đang được khách hàng, người tiêu dùng ưa chuộng. Gần đây, có một số sản phẩm đã đăng ký, xây dựng thương hiệu, như: chè Tà Xùa, chè Bát Tiên, chè Tân Lập, chè Olong Ngọc Thúy, Olong Thanh Tâm, chè Vân Sơn, chè Shan tuyết Mộc Châu, bánh kẹo Hồng Nhung, rượu táo mèo Bắc Yên, rượu chuối Yên Châu; rượu ngô, rượu mận Mộc Châu; máy cày mini HTX Thanh Niên Mường La; máy thái sắn, thức ăn cho cá, gia súc của cơ khí Dũng Lan, cà phê Sơn La... Những sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu xây dựng thương hiệu đã tăng vị thế trên thị trường, giúp những đơn vị này thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của mình về hàng hóa sản xuất ra.

Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, như:  Long nhãn Sông Mã, chè Kim Chung, chè Phổng Lái, chè Phiêng Cằm, đồ gỗ mỹ nghệ, sản phẩm cơ khí, sản phẩm thủ công đệm bông gạo, hàng lưu niệm, khăn Piêu và các sản phẩm thêu, dệt, mây tre đan và rất nhiều các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp được sản xuất tại địa phương, đang cung cấp ra trị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh với giá bán tương đối cao. Nhưng hầu như các sản phẩm nêu trên chưa có nhãn hàng, mác, xuất xứ, địa chỉ sản xuất, chất liệu, khối lượng, chất lượng, quy cách và các thông số kỹ thuật theo đúng quy định của Nhà nước về nhãn mác hàng hóa và không có chủ thể đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp... Điều đó thể hiện về nhận thức của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân về thương hiệu chưa đầy đủ, chưa khẳng định được tài sản quý giá mà mình đang sở hữu.

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La cho biết: Các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quốc gia đã được xây dựng và triển khai, như: Chương trình Thương hiệu Quốc gia từ năm 2003 đến 2010 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253 ngày 25/11/2003 với những nội dung như: hỗ trợ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu; lựa chọn và hỗ trợ một số sản phẩm tiêu biểu để tham gia chương trình; Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 9224 ngày 28/12/2011 giao Bộ Công thương chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu Quốc gia; Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 984 ngày 06/3/2012 về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia. Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn thuộc đối tượng thụ hưởng theo Nghị định số 45 ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 46/2012 ngày 17/6/2012 quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 45 của Chính phủ; Mức hỗ trợ được quy định tại Thông tư liên tịch số 26 ngày 18/2/2014 của Liên Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương;  trình tự thủ tục để được hỗ trợ được hướng dẫn tại Thông tư số 36 ngày 27/12/2013 của Bộ Công Thương quy định về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia và một số văn bản của tỉnh quy định, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Để xây dựng thương hiệu đòi hỏi quá trình lâu dài và có sự quan tâm, đầu tư của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước, theo đó, cần xây dựng hình ảnh về sản phẩm gắn với tên thương mại tạo uy tín bằng chất lượng cao, ổn định và đa dạng dịch vụ sau bán hàng với tâm huyết nâng cao vị thế người tiêu dùng. Luôn coi trọng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, luôn tìm giải pháp đưa thương hiệu của mình khẳng định được trên thị trường trong quá trình hội nhập.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới