Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh

Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, gồm: Khu công nghiệp Mai Sơn tại xã Mường Bằng (Mai Sơn) và Khu công nghiệp Vân Hồ, bản Thuông Cuông, xã Vân Hồ (Vân Hồ). Những năm qua, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp để phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nhà máy chế biến lâm sản của Công ty TNHH Thanh Nhung tại Khu công nghiệp Mai Sơn.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Dự án khu công nghiệp Vân Hồ mới được bổ sung theo Đề án quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2020, quy mô 216,64 ha.

Dự án khu công nghiệp Mai Sơn đang thực hiện công tác đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giai đoạn I, quy mô 63,7 ha, tổng mức đầu tư 285,5 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Hiện, đã hoàn thành các hạng mục đường gom vào khu công nghiệp (quy mô chiều dài tuyến 5,7 km); hệ thống cấp điện (quy mô đường dây 35 kV, trạm biến áp 2.500 kVA); đang hoàn thiện hệ thống cấp nước (quy mô 5.000 m³/ngày đêm); đường giao thông nội bộ trong khu công nghiệp (chiều dài tuyến 4,6 km); hệ thống xử lý nước thải (quy mô: 2.500 m³/ngày đêm).

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, ưu tiên chọn lọc các dự án chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, các dự án quy mô lớn, sử dụng đất tiết kiệm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Kiên quyết từ chối cấp mới đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên. Đến nay, tại Khu công nghiệp Mai Sơn đã có 10 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với các loại hình sản xuất, như: Chế biến tinh bột sắn, lâm sản, san chiết gas, sản xuất vật liệu không nung, nhũ tương nhựa đường, than sinh học, viên gỗ nén và năng lượng mặt trời. Tổng vốn đầu tư đăng ký 830 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện trên 500 tỷ đồng (đạt 60,2% so với tổng số vốn đầu tư đăng ký); tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê giai đoạn I đạt 71%.

Là một trong 5 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Thanh Nhung chủ đầu tư Dự án Nhà máy chế biến lâm sản Thanh Nhung được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sơn La cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2017. Dự án có công suất 2.800 m³ sản phẩm/năm, diện tích đất sử dụng 1,07 ha, tổng mức đầu tư 19 tỷ đồng. Năm 2018, Dự án đi vào hoạt động, sản phẩm chủ yếu là chế biến gỗ xẻ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Đàm Văn Thanh, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Công ty được hưởng chính sách ưu đãi về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền thuê đất và thuế sử dụng đất... Đặc biệt, được thuê hạ tầng cơ sở dùng chung trả phí theo năm, đã giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt khó ảnh hưởng COVID-19. Năm 2020, Công ty đã sản xuất được 1.947 m³ gỗ thành phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/tháng và thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giai đoạn I Dự án Khu công nghiệp Mai Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, vẫn còn thiếu 75 tỷ đồng để hoàn thiện giai đoạn I. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã chủ động điều chỉnh và thay đổi biện pháp thi công một số hạng mục công trình để tiết kiệm kinh phí đầu tư. Phối hợp với huyện Mai Sơn tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong năm 2021; trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Mai Sơn giai đoạn II trong năm 2021. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện các nội dung liên quan hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng và thu hút nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vân Hồ, đảm bảo các điều kiện theo quy định, tiến độ đề ra.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các khu công nghiệp, trọng tâm là quản lý đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ; tổ chức quản lý và vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp nhằm phục vụ hoạt động của các doanh nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư đầu tư vào khu công nghiệp, duy trì đối thoại, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với những chính sách thu hút đầu tư và sự quan tâm của tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, giảm chi phí đầu tư, sớm ổn định sản xuất, phát triển bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới