Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thực hiện chương trình hợp tác giữa tỉnh ta và thành phố Hà Nội năm 2016, đã tổ chức hai lớp “Truyền nghề, cấy nghề đan lưới, dụng cụ, phương tiện phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản” và “Truyền nghề, cấy nghề dệt thổ cẩm” cho 70 lao động trong tỉnh.

Các thành viên của HTX Nặm La thiết kế mẫu sản phẩm mới được học tại lớp “Truyền nghề, cấy nghề dệt thổ cẩm”. 

Với phương pháp cầm tay chỉ việc, gắn lý thuyết với thực hành, sau 3 tháng học tập, các học viên đã làm được những sản phẩm thổ cẩm để bán; tự sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện đánh bắt thủy sản theo đúng kỹ thuật, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Lớp “Truyền nghề, cấy nghề đan lưới, dụng cụ, phương tiện phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản” truyền nghề cho 35 học viên là lao động của xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai. Sau 3 tháng đào tạo, học viên đã được truyền dạy những kỹ năng cơ bản của đan lưới, đan đó, hom, rọ, lồng; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản,... Ông Là Văn Thuông, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), cho biết: Xã luôn quan tâm phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Những học viên được đào tạo lần này sẽ đóng góp rất nhiều trong việc tạo ra các sản phẩm, dụng cụ cho nghề nuôi cá lồng; góp phần làm tăng thu nhập cho lao động địa phương. Với sản phẩm như rọ tôm, mỗi người đan được 50 đến 60 chiếc/ngày, giá bán từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/chiếc, sẽ có thu nhập bình quân đạt trên 250.000 đồng/ngày. Sản xuất lưới, bẫy, chã tính theo mét dài thu nhập thấp hơn đan rọ tôm và các dụng cụ bằng tre, nứa nhưng cũng đảm bảo thu trên 100.000 đồng/ngày. Đây là yếu tố quan trọng để duy trì nghề và mang lại thu nhập thiết thực cho lao động lúc nông nhàn.

Đối với lớp “Truyền nghề, cấy nghề dệt thổ cẩm” đào tạo nghề cho 35 lao động đã và đang làm nghề dệt thổ cẩm tại một số HTX trên địa bàn Thành phố. Bà Cà Thị Thỏa, Giám đốc HTX Nặm La, một trong những đơn vị thụ hưởng cho biết: Giáo viên đã truyền dạy những kỹ thuật thiết kế mẫu cơ bản. Tính đến thời điểm kết thúc lớp học, các học viên đã tạo ra được trên 200 mẫu sản phẩm các loại, có sản phẩm vừa làm ra đã có đơn hàng. Chúng tôi cũng sẽ mang các sản phẩm này đi tham dự bình chọn sản phẩm quà lưu niệm tại Mộc Châu. Các học viên sau khi đào tạo sẽ là hạt nhân sản xuất hàng thổ cẩm và quà lưu niệm tại HTX.

Trong thời gian qua, để thực hiện tốt công tác đào tạo, truyền nghề, Trung tâm Khuyến công & tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La đã phối hợp với các địa phương có người lao động được thụ hưởng tập trung vào các sản phẩm dễ học, không đòi hỏi về trình độ văn hóa, nhiều người có thể tham gia học, là các sản phẩm thế mạnh của đơn vị và phù hợp với nhu cầu, trình độ của lao động nông thôn, một số nghề tiểu thủ công nghiệp, khi các lao động học nghề xong, có thể truyền lại cho người khác, qua đó nhân rộng số lượng người làm mà không tốn thêm chi phí dạy nghề.

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn đến người dân trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, tạo điều kiện cho các học viên tham quan các mô hình sản xuất ngay trong quá trình học; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến công; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất ở vùng nông thôn, để đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên định hướng phát triển của địa phương và theo nhu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo, truyền nghề sẽ được chú trọng vào những ngành nghề phổ biến, gắn liền với nhu cầu của bà con, tạo điều kiện giúp bà con áp dụng kiến thức ngay vào thực hiện sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới