Nâng cao chất lượng và sản phẩm chè từ dây truyền chế biến Super Green

Trung tâm Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La vừa phối hợp với Công ty chè Mộc Châu (Chi nhánh Tổng Công ty chè Việt Nam tại Sơn La) xây dựng thành công mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến chè xanh chất lượng cao (Super Green). Dây truyền sản xuất mới đang hứa hẹn mang lại hiệu quả cao về sản lượng và chất lượng chè.

Tham quan mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chè Super Green.

Ông Nguyễn Duy Chánh, Giám đốc Công ty chè Mộc Châu cho biết: Thực tế năm 2012, 2013, qua khảo sát lựa chọn công nghệ, dây truyền sản xuất cho thấy quy trình chế biến có máy lăn cầu và lò sấy cảm biến nhiệt thì tỷ lệ vụn nát cám giảm, do đó tỷ lệ thu hồi cũng tăng so với dây truyền không có lăn cầu. Ngoài ra, ngoại hình cũng đảm bảo hơn, cánh chè xoăn gọn, chặt hơn, màu nước xanh hơn, giảm thể tích, giảm cước vận chuyển xuất khẩu. Từ các yêu cầu trên, việc đầu tư lắp đặt máy móc, thiết bị mới để làm thay đổi nâng cao chất lượng chè, tăng năng xuất, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm là việc làm thực sự cần thiết và cấp bách đối với Công ty chè Mộc Châu nói riêng và đối với các công ty, đơn vị sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung. Đầu năm 2015, chúng tôi được hỗ trợ hơn 320 triệu đồng từ kinh phí Khuyến công quốc gia, đơn vị chi gần 1 tỷ để đầu tư hệ thống dây truyền chế biến chè Super Green (chè xanh chất lượng cao), gồm: Máy tạo hình chè (Máy lăn cầu); Máy sấy chè; Máy vò chè. Việc đầu tư dây truyền mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty và người lao động, nâng cao chất lượng chè thành phẩm cung ứng ra thị trường.

 

Tìm hiểu được biết, dây truyền chế biến chè Super Green (chè xanh chất lượng cao) bắt buộc phải lắp đặt hệ thống máy định hình chè (lăn cầu) sao; lăn trong khí nóng có hệ thống điều chỉnh nhiệt cảm biến điện tử, tự động, công nghệ mới; chè sau khi vò, sấy sẽ được đưa vào hệ thống lăn cầu này trước khi chuyển sang hệ thống máy lăn khô. Sản phẩm khi đưa vào lăn cầu do không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt đốt từ than mà chỉ tiếp xúc với khí nóng được dẫn qua hệ thống ống dẫn nên sản phẩm lăn trong thời gian dài nhưng khi pha nước vẫn rất xanh, cánh chè được xoăn chặt hơn, tỷ lệ thu hồi cao hơn. Tỷ lệ vụn nát cám giảm từ 8% xuống còn 3,5 - 4%, do đó tỷ lệ thu hồi cũng tăng 3-3,5% so với dây truyền không có lăn cầu. Phế phẩm chè còn 4 đến 5%. Độ ẩm trong chè thành phẩm giảm đến mức chỉ còn 3,5 -4%, rất quan trọng cho bảo quản chè, đảm bảo xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Hệ thống lò thế hệ mới, lượng than giảm được 0,3 kg than/1kg chè khô. Trước kia, với dây truyền cũ (không có hệ thống lăn cầu có hệ thống đo nhiệt, đo độ ẩm trong dây truyền) thì sản phẩm chè sau khi vò, sấy được lăn khô trực tiếp trên máy lăn, tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao của lò than nên chè hay bị cháy, cao lửa, khê khét, nước chè bị đỏ...

 

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Khuyến Công và Tư vấn phát triển công nghiệp Sơn La cho biết: Việc hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị hoàn thiện xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chè Super Green xuất khẩu tại Công ty Chè Mộc Châu từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia góp phần đem lại hiệu quả doanh thu về kinh tế cho Doanh nghiệp và người lao động, tăng giá trị xuất khẩu mặt hàng công nghiệp chế biến nông sản. Thông qua mô hình, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận kỹ thuật sản xuất chè Super Green xuất khẩu để tìm hiểu, nghiên cứu về công nghệ, dây truyền sản xuất sản phẩm mới năng xuất, chất lượng cao, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Các cơ sở CNNT cũng có thể liên kết để cùng sản xuất ra loại sản phẩm có tính đồng nhất, số lượng hàng lớn, đáp ứng yêu cầu về thời gian đặt hàng của các đối tác nước ngoài.

 

Việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chè Super Green đang hứa hẹn tạo ra sản phẩm chè có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Việc ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại trong sản xuất chè phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới