Hiệu quả từ việc hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong các cơ sở sản xuất chè

Năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã triển khai 3 đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất chè xanh chất lượng cao” tại các địa phương trồng chè trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống máy sấy chế biến chè của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận (Thuận Châu).

Đến nay, các máy móc, thiết bị đã được lắp đặt, đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, chế biến chè thành phẩm. Hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, bản  Kiến xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu) đã đăng ký mua sắm thiết bị chuyển giao công nghệ máy sấy phục vụ chế biến chè. Trước đây, HTX sử dụng công nghệ sấy cũ, công suất nhỏ, chỉ có thể sơ chế 4 tạ chè/1 giờ, năng suất không cao, trong khi sản lượng chè thu mua của người dân ngày càng tăng, không đáp ứng được nhu cầu chế biến chè thành phẩm. Sau khi lắp đặt công nghệ sấy mới, công suất đạt gấp 2,5 lần công nghệ cũ. Bên cạnh đó, với thiết bị hiện đại, chế độ nhiệt ổn định, sản phẩm chè sau khi chế biến chất lượng cao hơn, không bị mùi khói, mẫu mã đẹp hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sản phẩm xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ nhiệm HTX, cho biết: Cán bộ quản lý Đề án của Trung tâm và đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện đã giám sát việc lắp đặt, vận hành chạy thử, đánh giá hoạt động của thiết bị. Sau khi lắp đặt máy móc, vận hành chạy thử đạt yêu cầu, đến tháng 7/2016, Hợp tác xã đã chính thức đưa vào vận hành thiết bị sản xuất chế biến chè với công nghệ máy sấy. Theo đánh giá, đây là các thiết bị tiên tiến, có tính ưu việt hơn hẳn các thiết bị cùng loại. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ máy sấy bằng thiết bị tiên tiến còn giúp giảm chi phí nhân công và nhiên liệu, góp phần giảm giá thành sản phẩm chè xanh chất lượng cao, đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế.

Cùng thời điểm tháng 7/2016, Hợp tác xã nông nghiệp Đoàn Kết và Doanh nghiệp tư nhân Châu Tứ (Mộc Châu) cũng triển khai lắp đặt máy sao lăn tạo hình (lăn cầu) phục vụ quy trình chế biến chè. Trong đó, mỗi đơn vị đăng ký lắp đặt 15 máy. Sau quá trình lắp đặt, vận hành chạy thử đạt yêu cầu, thiết bị này đã được các đơn vị đưa vào sử dụng chính thức. Với tính năng ưu việt, tiên tiến hơn các thiết bị cùng loại, máy sao lăn cầu khi đưa vào sử dụng có thể đạt công suất gấp 4 lần so với các thiết bị cũ, giúp sấy khô chè, vo tròn búp chè, tạo hình cho cánh chè. Nhờ có công suất lớn, máy sao lăn tạo hình còn giúp giảm chi phí nhân công và nhiên liệu, giảm giá thành sản phẩm chè xanh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Cảnh Châu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Châu Tứ, chia sẻ: Hệ thống máy sao lăn tạo hình đạt hiệu quả cao hơn nhiều so với những thiết bị sao lăn trước kia doanh nghiệp sử dụng. Nếu trước kia, máy lăn hở chỉ có thể chế biến chè búp tươi hái bằng tay theo tiêu chuẩn thì với thiết bị mới này, chè thu hoạch bằng máy cũng có thể sao, sấy, chế biến với mẫu mã thành phẩm đẹp mắt, cánh chè gọn, chất lượng chè đạt cao hơn. Không chỉ năng suất tăng cao mà tỷ lệ nguyên liệu chè búp tươi ra chè khô bán thành phẩm (hệ số K) cũng tăng lên, đạt từ 85-90% (máy lăn hở chỉ đạt 65%), nhân công sử dụng cho việc chế biến chè giảm đi 1/3, giúp giảm nhiều chi phí liên quan.

Qua thực tế triển khai, việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm chè xanh địa phương. Từ đó, giúp tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: Từ hiệu quả thực tế sau khi triển khai Đề án, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu những đề xuất của các cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho tỉnh trong việc hỗ trợ mua sắm các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ chế biến chè. Mục tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Trong đó, chú trọng việc hỗ trợ các vùng có người dân tái định cư, giúp doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới