Đào tạo nghề may công nghiệp đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và lao động nông thôn

Những năm qua, bằng nguồn vốn khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

 

Ca sản xuất của công nhân Công ty TNHH may Phù Yên.

 

Một trong những hoạt động được ghi nhận, đánh giá cao đó là chương trình đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn, giúp các doanh nghiệp không chỉ giảm bớt nguồn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực mà còn tạo cơ hội cho lao động nông thôn có việc làm ổn định ngay tại quê hương.

Đồng chí Hà Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp đã và đang đầu tư nhà máy may công nghiệp đó là Công ty cổ phần may DNN (Thành phố), Công ty TNHH may Phù Yên và Công ty cổ phần may xuất khẩu Tiên Sơn (Mường La), từ nay đến năm 2019, các nhà máy đang có nhu cầu tuyển trên 5.000 công nhân, trong đó có khoảng 70% thuộc trong diện hộ di dân tái định cư vùng lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, do đặc thù của từng doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm khác nhau, sử dụng máy may, nguyên liệu khác nhau khi tuyển vào làm việc, số lao động (có chứng chỉ), đáp ứng yêu cầu cho nhà máy quá ít. Doanh nghiệp phải vừa sản xuất, vừa đào tạo lại, hiệu quả sử dụng kinh phí đào tạo lao động rất thấp. Để đảm bảo nhu cầu sản xuất ngay, tăng hiệu quả đầu tư cho nhà máy, năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã thực hiện “Đề án hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La” cho Công ty TNHH may Phù Yên từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.

Thực hiện Đề án, Trung tâm đã thực hiện đầy đủ các bước đảm bảo cho công tác tổ chức đào tạo tại Công ty TNHH may Phù Yên. Mỗi lớp học trung bình có 30 người tham gia, các học viên đều ở độ tuổi lao động, thời gian học 3 tháng với mức hỗ trợ trích từ nguồn kinh phí khuyến công đối với mỗi học viên là 600 nghìn đồng/tháng. Sau 1 năm thực hiện, Trung tâm đã đào tạo được 10 lớp cho 230 lao động tại địa phương, người lao động qua đào tạo nghề đều nắm bắt được các kiến thức cơ bản về máy may công nghiệp, thao tác thành thạo trên các loại máy may thông dụng, được truyền đạt các kỹ thuật may công nghiệp cũng như vận hành và xử lý các sự cố nhỏ trong quá trình lao động. Kết thúc khóa đào tạo, tất cả học viên đều đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ nghề và 100% lao động sau đào tạo nghề đã được nhận vào làm việc tại Công ty TNHH may Phù Yên.

Bà Ngô Thị Diệu Linh, Giám đốc Công ty TNHH may Phù Yên, chia sẻ: Từ khi đi vào hoạt động từ tháng 11/2016 đến nay, Công ty đã thu hút 600 lao động tại địa phương với mức lương trung bình từ 3,5 triệu - 4 triệu đồng/người/tháng, chủ yếu may áo Jacket và một số đồ quân phục phục vụ trong nước. Sản lượng may hiện đạt hơn 720.000 sản phẩm/năm, tất cả sản phẩm áo Jacket của Công ty đều được xuất khẩu gián tiếp sang thị trường các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Doanh nghiệp chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động. Bởi tay nghề của công nhân được nâng cao thì mới mang lại hiệu quả và năng suất lao động cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chất lượng của các đơn hàng xuất khẩu. Vừa qua, việc phối hợp của Trung tâm với Công ty trong đào tạo nguồn lao động là hình thức hỗ trợ rất phù hợp và có ý nghĩa, giúp Công ty có được đội ngũ công nhân có tay nghề cao, giảm tối đa chi phí đào tạo lao động đầu vào và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.

Là một trong số học viên được tham gia đào tạo nghề may, Chị Lường Thị My, ở bản Nà Khằm, xã Gia Phù, chia sẻ: Khi biết Công ty TNHH may Phù Yên tuyển công nhân và tổ chức lớp đào tạo nghề, tôi đã thu xếp công việc để tham gia học nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã đủ điều kiện để được nhận vào làm việc tại Công ty, vừa có việc làm ở gần nhà lại có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Có thể thấy rằng, Đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề may công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La” đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp doanh nghiệp bổ sung lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chủ động được nguồn lao động. Đồng thời, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận với nghề có thu nhập ổn định, góp phần thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Chính phủ được triển khai thực hiện tốt tại tỉnh Sơn La.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới