Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây - Tây Bắc của Tổ quốc. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, mười hai dân tộc anh em cùng chung sống trên quê hương Sơn La đã tạo nên nền văn hoá đa dạng, phong phú, vừa có sự giao thoa tinh hoa văn hóa của mọi miền đất nước và thế giới, vừa mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc vừa tạo nên khối đại đoàn kết, cùng chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương.
.jpg)
Đặc biệt, từ khi Chi bộ Đảng Nhà tù Sơn La thành lập vào cuối năm 1939, ánh sáng cách mạng của Đảng đã được những chiến sỹ Cộng sản bí mật tuyên truyền, lan tỏa rộng khắp trên các địa bàn, góp phần giáo dục, giác ngộ, nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc Sơn La về tinh thần yêu nước, về độc lập, tự do cho dân tộc, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trải qua muôn vàn những khó khăn, thách thức, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Sơn La dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có bước phát triển nhanh chóng, tạo tiền vững chắc về lực lượng, tổ chức, tiến tới giành chính quyền thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng và sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, được sự giúp đỡ của các đơn vị vũ trang Tây Tiến, các đơn vị Vệ Quốc đoàn; tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền cách mạng, các tổ chức tập hợp quần chúng của tỉnh được củng cố và phát triển; các đơn vị vũ trang địa phương được thành lập, tạo tiền đề cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, chống thực dân Pháp.
Tháng 10 năm 1946, Chi bộ Đảng tỉnh Sơn La được thành lập tại Hát Lót, huyện Mai Sơn; đầu năm 1947, Ban Tỉnh ủy Sơn La được thành lập, là bước phát triển quan trọng về tổ chức bộ máy lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Sơn La gấp rút xây dựng khu căn cứ cách mạng; xây dựng bộ đội địa phương và phát triển rộng rãi lực lượng dân quân du kích; thành lập các đội xung phong vũ trang tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động bí mật ở vùng sau lưng địch để vận động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng; đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, cản phá các cuộc khủng bố, đàn áp vào các khu căn cứ kháng chiến, du kích; diệt tề, trừ gian và phá thế kìm kẹp của địch.
Cũng trong thời kỳ này, tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt chủ trương giúp đỡ Ban xung phong Lào Bắc, do đồng chí Kay Sỏn Phôm Vi Hản chỉ huy, đồng thời tạo điều kiện cho Ban Xung phong Lào Bắc chọn bản Phiêng Sa xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) làm căn cứ để triển khai nhiệm vụ tiến vào vùng Bắc Lào xây dựng căn cứ địa, phát triển lực lượng và tổ chức nhân dân Lào kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ năm 1948, phong trào kháng chiến của quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La phát triển, từng bước lan rộng trên khắp các địa bàn, làm cho địch luôn phải căng sức ra đối phó, giữ địa bàn kiểm soát, không thể thực hiện âm mưu bình định như kế hoạch đã định. Đó là bước tạo tiền đề, chuẩn bị cơ sở vô cùng quan trọng để phối hợp với lực lượng chủ lực tiến lên giải phóng Sơn La.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng quân ủy Trung ương, những thắng lợi to lớn trong chiến dịch Biên giới (tháng 9/1950) và các chiến dịch đánh địch ở Trung du, đồng bằng Bắc bộ (từ tháng 12/1950 đến tháng 6/1951) và trên các mặt trận chính trị, ngoại giao đã làm thay đổi cục diện cách mạng, tạo thế chủ động tiến công chiến lược trên khắp chiến trường, dồn thực dân Pháp vào thế bị động, lúng túng. Tháng 9/1952, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng quân ủy Trung ương, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định mở Chiến dịch giải phóng Tây Bắc nhằm: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân; giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược” trong đó có Sơn La.
Công tác chuẩn bị chiến trường khẩn trương được triển khai. Nhận rõ vị trí quan trọng của chiến dịch Tây Bắc đối với địa phương, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao; gấp rút chuẩn bị mọi mặt để phục vụ lực lượng chủ lực chiến đấu, giải phóng quê hương, tiếp quản vùng giải phóng.
Ngày 14/10/1952, Chiến dịch Tây Bắc mở màn. Sau hơn tháng tiến công, một vùng rộng lớn từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu đến Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La lần lượt được giải phóng. Trước sức tiến công mạnh mẽ của các lực lượng chủ lực, làm cho địch hoang mang dữ dội, khoảng 11 giờ ngày 22/11/1952, Tiểu đoàn 115 đã tiến quân vào tỉnh lỵ Sơn La, mục tiêu giải phóng Sơn La hoàn thành thắng lợi. Đây là mốc son lịch sử, là kết quả tất yếu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh Sơn La, cùng với sự đồng thuận, nỗ lực và ý chí quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đây nhân dân các dân tộc Sơn La thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến tay sai, vững bước trên con đường xây dựng đời sống mới.
Thắng lợi đó đã khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, của Tổng quân ủy và Bộ tư lệnh, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang; là sức mạnh đại đoàn kết, quyết tâm chiến đấu của nhân dân các dân tộc Sơn La; khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của mỗi cán bộ, đảng viên đã vận dụng sáng tạo đường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng Sơn La.
Khẳng định về chiến thuật của Quân đội ta có sức phát triển rất nhanh chóng, mạnh mẽ, nhất là việc kết hợp thành công sử dụng quân chính quy tiến công với phát huy tác chiến phối hợp bộ đội địa phương, du kích, các chiến thuật công kiên, vận động tiến công, phục kích, try kích rất sáng tạo; tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu. Qua đánh đồn Mộc lỵ, từ địa chính trị của Mộc Châu, giải phóng Mộc Châu, mở rộng vùng giải phóng, kết nối Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình; vùng dọc sông Đà kết nối Yên Châu, Mai Sơn, đặc biệt là điểm tập kết nhân lực, quân lực thắng lợi. Hậu cần cho mặt trận Thượng Lào mà cho đến nay các yếu tố đó còn nguyên giá trị cả về lý luận, thực tiễn, tiền đề đến ngày hôm nay ta vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu phát triển vùng Mộc Châu, bố trí, sử dụng cán bộ và lực lượng tại Mộc Châu.
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, phát huy vai trò hậu phương trong chiến dịch Thượng Lào (1953), nhất là trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vào ngày 7/5/1954. Sự nỗ lực cao độ của quân và dân Sơn La đã góp phần tích cực vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ; hoàn thành nghĩa vụ là hậu phương trực tiếp của “trận quyết chiến chiến lược”, đánh dấu thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ghi nhận những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu 20 tập thể, 6 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi, nhân dân các dân tộc Sơn La cùng các tỉnh miền Bắc nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, nhưng từ ngày 14/6/1965, đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến tranh phá hoại bằng bom đạn diễn ra ngày càng ác liệt. Cùng với bắn phá, đế quốc Mỹ, tay sai tung các toán gián điệp, biệt kích vào hậu phương miền Bắc nhằm triển khai chiến tranh tâm lý, kích động các phần tử phản động địa phương phá hoại chính quyền cơ sở, gây mất ổn định chính trị địa bàn.
Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Tây Bắc, Đảng bộ, quân và dân Sơn La đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua và đã dành nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu, góp phần bảo vệ bầu trời miền Bắc, cùng quân và dân miền Bắc làm tròn vai trò hậu phương chiến lược của cuộc kháng chiến vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Cùng với đó, quân và dân Sơn La đã góp phần tích cực vào việc mở rộng vùng giải phóng cách mạng Lào, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với nước Bạn. Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang các dân tộc tỉnh Sơn La đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng 8 tập thể, 5 cá nhân danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang; 4 tập thể, 4 cá nhân danh hiệu: Anh hùng lao động; Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng huân chương cao quý - Huân chương Tự do.
Hoàn thành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, non sông thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, nâng cao dân trí, chuẩn bị phát triển nguồn nhân lực, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Trung ương; cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, tích cực, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, đồng thời đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng và trúng, như quy hoạch phát triển kinh tế vùng tuyến đường 6, vùng lòng hồ sông Đà, vùng cao biên giới; trồng rừng kinh tế, trồng cây công nghiệp, từng bước hình thành vùng sản xuất, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai cuộc di dân tái định cư để phục vụ xây dựng hai công trình thủy điện lớn của đất nước: thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Riêng thủy điện Sơn La, đã di chuyển 12.584 hộ với 54.282 nhân khẩu của ba huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu đến nơi ở mới. Vùng tái định cư các công trình thủy điện cơ bản được đầu tư đồng bộ, khoa học và công tác khuyến nông được triển khai tích cực; đời sống và sản xuất của nhân dân vùng tái định cư từng bước ổn định, nội bộ đoàn kết thống nhất, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể.
Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và góp phần quan trọng vào việc tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Việc quy hoạch sản xuất, quy hoạch phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả đúng với tư duy chiến lược; sản xuất sản phẩm nông sản sạch, có chất lượng, nên kinh tế hàng hóa phát triển nhanh, huy động các chủ thể tham gia phát triển sản xuất tăng lên nhanh chóng. Giáo dục, đào tạo được quan tâm đẩy mạnh; hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; trường, lớp được phát triển mở rộng, nhất là tạo điều kiện cho trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Truyền thống và bản sắc văn hoá tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng gắn với phát triển du lịch; di tích lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái phát triển nhanh theo quy hoạch, nhiều sản phẩm du lịch địa phương mang bản sắc văn hóa dân tộc; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; các thiết chế văn hoá, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả tích cực. Thực hiện tốt các chính sách đối với các gia đình và người có công. Công tác an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là kết quả xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, việc chỉ đạo ứng phó với đại dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe nhân dân… Đặc biệt quan tâm chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của trên linh hoạt, hiệu quả cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn Lào, các tổ chức quốc tế được mở rộng. Công tác xây dựng Đảng, nâng cao sinh hoạt đảng của tổ chức đảng, năng lực điều hành của chính quyền các cấp nâng lên; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ được phát huy; tỉnh ta luôn là nơi góp phần bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ ưu tú cho Trung ương.
Trải qua chặng đường 70 năm xây dựng, trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã đưa Sơn La từ một tỉnh còn nhiều khó khăn thời kỳ sau giải phóng trở thành tỉnh đứng thứ 5 trong 14 tỉnh thành khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Tự hào về những kết quả đó; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng: Cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, quan tâm tuyên truyền, động viên phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, đoàn kết các dân tộc, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Sơn La xác định; quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; mở rộng quan hệ hợp tác, trọng tâm là các tỉnh Bắc Lào; giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, an ninh biên giới; phát triển kinh tế, xã hội; quan tâm công tác an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tôi tin rằng với ý chí cách mạng kiên cường, không cam chịu đói, nghèo, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Sơn La sẽ vươn lên mạnh mẽ, xây dựng Sơn La ngày càng giầu, mạnh, văn minh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!