Cần giải pháp cho phát triển cây mía tím ở Chiềng Khương

Những năm gần đây, cây mía tím ở xã Chiềng Khương (Sông Mã) cho thu nhập cao chỉ sau cây nhãn. Tuy nhiên năm nay, người trồng mía không còn mặn mà với nó, bởi mía mất giá, bán không có người mua.

Mía tím bày bán dọc quốc lộ 4G, nhưng ít người mua. 

Chúng tôi tới bản Híp, là một trong những bản trồng nhiều mía tím nhất của xã Chiềng Khương, vụ mía năm nay, không còn thấy cảnh mua bán nhộn nhịp. Trao đổi với Trưởng bản Lò Văn Xuân, được biết, bản Híp có 167 hộ dân, thì có đến 100 hộ trồng mía, nhà trồng ít cũng vài trăm mét vuông, nhà nhiều thì từ 1 ha trở lên, người dân chủ yếu thu nhập từ cây mía. Những năm trước, tư thương từ khắp các nơi đổ về thu mua với giá 6.000-7.000 đồng/cây tại vườn, nhiều gia đình thu nhập từ 100-150 triệu đồng/vụ, nhưng năm nay hạn hán kéo dài, cây mía thiếu nước nên năng suất thấp, chất lượng lại kém hơn so với mọi năm, đến vụ thu hoạch mà người dân cũng không để ý vì không bán được. Gia đình anh Lò Văn Xôm trồng gần 1 ha mía, những năm trước, mọi chi tiêu, sắm sửa trong gia đình và lo cho con ăn học đều từ tiền bán mía, nhưng năm nay giá mía chỉ từ 2.000-3.000 đồng/cây, không đủ chi phí bỏ ra. Anh Xôm chia sẻ: Bán rẻ thương lái cũng không mua, giờ chỉ làm thức ăn cho trâu, bò cũng không hết, vì số lượng lớn mà cây mía thì không để lâu ngoài ruộng được. Năm nay thất thu, mọi chi tiêu của gia đình rất khó khăn.

Cây mía tím đã được trồng ở Chiềng Khương từ những năm 80 của thế kỷ trước, do người dân Hưng Yên lên khai hoang rồi đưa về trồng, cây mía tím thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, lại được người dân chăm sóc cẩn thận, liên tục tưới ẩm và bón phân hữu cơ nên cây mía phát triển tốt, thân cây có màu tím, thẳng, mập, dóng dài, ít bị bị sâu bệnh, mềm ngọt, nhiều nước. Theo tính toán những năm trước đây, 1 ha mía mang lại cho người dân thu nhập khoảng 150-200 triệu đồng, thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Do vậy, cây mía tím đã nhanh chóng trở thành cây hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao trong nhiều năm qua cho người dân xã Chiềng Khương. Ông Lò Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ nhiều năm nay, cùng với cây nhãn, cây mía tím đã trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu phát triển kinh tế của xã. Hiện nay, cả xã có hơn 72 ha mía tím, được trồng ở các bản: Híp, Quyết Thắng, Cỏ, Tiên Sơn, Chiềng Khương, Búa... Thường vào thời điểm này hằng năm, lượng mía tím tiêu thụ ít nhất cũng phải được 1/3 hoặc một nửa so với tổng diện tích. Nhưng năm nay, cây mía vẫn còn rất nhiều trên ruộng, sản lượng tiêu thụ trên địa bàn hầu như không đáng kể. Bên cạnh đó, là sức ép về cạnh tranh của một số địa phương khác cũng có diện tích trồng mía tím rất lớn và có tiếng, như: Hòa Bình, Thanh Hóa, cùng với dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu đi lại và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nên việc tiêu thụ mía của người dân trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn, đầu ra của cây mía tím đang là nỗi trăn trở của chính quyền và nhân dân trong xã. 

Tìm hiểu được biết, huyện Sông Mã đang có quy hoạch chuyển dần diện tích những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía và từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mía tím Chiềng Khương. Nhưng trên thực tế, việc canh tác cây mía đang gặp nhiều khó khăn, do thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm, đầu ra không ổn định. Vì vậy, huyện cần có các giải pháp điều chỉnh và quản lý tốt việc phát triển cây mía trên địa bàn; hỗ trợ, hướng dẫn người dân thay thế giống mía có năng suất, chất lượng cao hơn; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, phát triển sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, để cây mía tím thực sự là cây làm giàu ở Chiềng Khương.
Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới