Tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Ngày 25/12, tại Hà Nội, các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Dự Hội nghị, có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành của Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh ta, dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Năm 2023, ngành Tư pháp đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch và điều hành thực hiện quyết liệt các nội dung nhiệm vụ của ngành. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chú trọng; chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng hồ sơ, dự án, dự thảo được cải thiện.

Từ năm 2021 đến nay, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 2.198 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); các địa phương ban hành 12.873 văn bản QPPL cấp tỉnh, 7.891 văn bản QPPL cấp huyện và 54.733 văn bản QPPL cấp xã. Bộ đã tổ chức thẩm định đối với 739 đề nghị xây dựng dự án, dự thảo văn bản QPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 1.896 dự thảo; các địa phương thẩm định 22.983 dự thảo văn bản QPPL. Qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội. Công tác truyền thông chính sách, PBGDPL, hòa giải cơ sở, đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận được triển khai hiệu quả. Cả nước tổ chức 1.464.569 cuộc PBGDPL, với hơn 100 triệu lượt người tham gia; tiếp nhận 302.172 vụ việc hòa giải, trong đó hòa giải thành công là 259.554 vụ việc. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành 1.609.462 việc. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch  tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, bồi thường nhà nước; công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ… triển khai đồng bộ và thu nhiều kết quả.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng dịch vụ công. Rà soát thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ, nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Kiện toàn tổ chức bộ máy đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mở rộng quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ, nhằm bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội. 

Các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số lĩnh vực công tác tư pháp, như: Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; bất cập trong triển khai cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; giải pháp nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý; thực hiện hiệu quả Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong lĩnh vực thi hành án dân sự…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ Tư pháp tiếp tục quán triệt và triển khai những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tham mưu thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của ngành, ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành. Tích cực, chủ động phòng ngừa và tăng cường năng lực giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động đầu tư quốc tế...

Nhân dịp này, Bộ Tư pháp đã phát động phong trào thi đua năm 2024, với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ". 

Tin, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới