Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu

Huyện Phù Yên đang từng bước phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, bằng cách áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, tạo uy tín cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và vươn ra quốc tế.

Giọng nữ
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Phù Yên tham quan mô hình sản xuất trong nhà màng của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc.

Những bước đi phù hợp

Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phù Yên đã xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025. Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hằng năm, huyện phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, trung tâm công nghệ cao tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực công nghệ cao cho nông nghiệp. Đồng thời, liên kết với các sở, ngành và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về nhà màng, tưới tiết kiệm, quản lý Egap, mã vùng trồng; tổ chức hội thảo, hội chợ quảng bá sản phẩm và mô hình nông nghiệp tiên tiến.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; sử dụng giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả gắn với chuỗi bao tiêu sản phẩm; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cải tạo diện tích lúa ruộng một vụ thiếu nước và thay thế những diện tích canh tác kém hiệu quả trên nương bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi đạt trên 2.807 ha. Ngoài ra, phát triển hơn 1.300 ha cây trồng vụ ba trên đất ruộng, chủ yếu là rau màu, tỏi và ngô sinh khối.

Năm 2024, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đột phá trong nông nghiệp là chuyển đổi số và quảng bá “Gạo Phù Yên” với mô hình “Ruộng nhà mình”. Mô hình đã giúp tổ chức sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thuận lợi cho cơ giới hóa và tưới tiêu. Mô hình góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, nâng thu nhập trồng lúa hữu cơ cao hơn từ 3-5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Giai đoạn 2021 - 2024, tổng nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình khác, huyện đã đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất khoảng 15 tỷ đồng. Riêng lồng ghép hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 440 triệu đồng xây dựng 7.700 m2 nhà màng tại HTX Đồng Tiến, xã Mường Do; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Mường Tấc, xã Huy Hạ và HTX Nông nghiệp Bích Hà, xã Huy Tường. Hướng dẫn thực hiện mô hình tưới tiết kiệm công nghệ Israel quy mô 32 ha, ứng dụng công nghệ tưới phun, gồm: Mô hình trồng chuối tại xã Huy Tân, với 12 ha được cấp mã vùng trồng và được tổ chức Chứng nhận ISOQ Việt Nam chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình một năm, huyện tổ chức 40 - 50 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho hàng chục nghìn lượt nông dân.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Thịnh trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả.

Ông Hà Văn Đức, Giám đốc HTX Đồng Tiến, cho biết: Năm 2017, HTX được UBND huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, cùng với số vốn có sẵn gần 200 triệu đồng để xây dựng 1.000m² nhà màng. Các thành viên đã trồng cà chua bi, dâu tây và một số loại rau ăn lá trong nhà màng. Sản lượng đạt trên 100 tấn củ, quả các loại, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Phát huy kết quả, năm 2021, HTX mở rộng nhà màng lên 3.000m².

Ứng dụng công nghệ cao

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Huyện đã mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ lên 734 ha, vượt 22% so với kế hoạch của Đề án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, huyện phát triển 5 ha rau an toàn, 22 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, duy trì, mở rộng 11 mô hình liên kết chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm, gồm sản xuất gạo hữu cơ, cây an xoa, gai xanh, quýt Mường Cơi, chuối và các loại cây ăn quả phù hợp.

Hiện nay, Phù Yên có trên 800 ha cây có múi, chủ yếu ở Tân Lang, Mường Cơi, Mường Thải, với các giống cam V1, V2, cam đường canh, quýt Thái, bưởi da xanh... sản lượng ước đạt trên 3.000 tấn quả các loại/năm. Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện phát triển các mô hình trang trại, chăn nuôi theo hướng hữu cơ và VietGAP, như mô hình chăn nuôi dúi 4.100 con/năm; chăn nuôi gà duy trì trên 80 hộ ở xã Mường Cơi, nuôi thường xuyên từ 100 - 500 con/hộ; nuôi 250 lồng cá tại vùng lòng hồ.

Cán bộ xã Tân Lang, huyện Phù Yên, trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả với nông dân.

Đến thăm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, xã Huy Hạ, chúng tôi ấn tượng với cơ sở hạ tầng hiện đại của HTX. Trụ sở được xây dựng khang trang, khu nhà xưởng sơ chế và bảo quản nông sản rộng khoảng 200 m², còn khu vực nhà màng, nhà lưới phục vụ trồng cây công nghệ cao có quy mô hơn 5.000 m². Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX, cho biết: Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 150 tấn rau, củ, quả. Đến nay, HTX thành công trong việc trồng các giống dưa nhập khẩu, như: Hoàng Kim, dưa sữa, dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới, dưa lưới Nhật Ichiba, dưa baby… Các sản phẩm của HTX đạt chứng nhận VietGAP, năm 2020 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận “Rau an toàn Sơn La”.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Đến nay, huyện Phù Yên có 2 sản phẩm “Cam Phù Yên”, “Gạo Phù Yên” được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Sau nhiều năm xây dựng và khẳng định thương hiệu, chất lượng các loại quả có múi của huyện đã nhận được sự đánh giá cao của khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà chế biến.

Năm 2017, thương hiệu “Cam Phù Yên” được cấp chỉ dẫn địa lý, tạo thuận lợi cho người trồng cây ăn quả trong việc mở rộng thị trường. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản sạch, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế. Huyện cũng khuyến khích các hợp tác xã trồng cây có múi tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, giúp nâng cao uy tín về chất lượng sản phẩm. Các hộ sản xuất đều thực hiện dán tem, nhãn có mã QR để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc. Nhờ đó, sản phẩm của các hợp tác xã được nhận diện tốt hơn và ngày càng phổ biến trong và ngoài tỉnh.

Khu ruộng trồng rau của nông dân bản Puôi, xã Huy Tân, huyện Phù Yên.

Tại vùng cây ăn quả có múi của xã Mường Thải, nông dân đang duy trì, mở rộng 270 ha cây ăn quả các loại, trong đó, có 165 ha đã cho thu hoạch, sản lượng từ 1.300 tấn/năm trở lên. Phát huy thế mạnh, xã còn phát triển nuôi 68 lồng cá trên mặt hồ thủy lợi Suối Chiếu, với sản lượng khai thác đạt 40 tấn/năm... Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn trên 11%; thu nhập bình quân đạt trên 42 triệu đồng/người/năm. Ông Nguyễn Văn Sự, bản Văn Phúc Yên, phấn khởi: Gia đình tôi có 4 ha cam chăm sóc theo quy trình hữu cơ, trong đó, 3 ha đã cho thu hoạch và 1 ha mới trồng, sản lượng khoảng 200 tấn. Tôi tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất, đồng thời áp dụng kỹ thuật cho cam chín từng đợt để thu hoạch rải vụ từ cuối tháng 10 năm nay cho đến tháng 2 năm sau. Trung bình mỗi vụ gia đình tôi thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết thêm: Kiên định mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, huyện tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, huy động nguồn vốn cho các dự án liên kết, xây dựng thương hiệu địa phương và cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp...

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phù Yên, làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp. Kết quả này, là điều kiện quan trọng để nông dân trong huyện tự tin, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ vào sản xuất

    Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ vào sản xuất

    Kinh tế -
    Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, HTX nông nghiệp Dũng Tiến, phường Vân Sơn, tích cực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các loại nông sản chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm trên cao nguyên Mộc Châu.
  • 'Giữ rừng vì cuộc sống cộng đồng

    Giữ rừng vì cuộc sống cộng đồng

    Xã hội -
    Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 43.000 ha rừng trên địa bàn 7 xã, phường, Hạt Kiểm lâm khu vực IX (thị xã Mộc Châu cũ), chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ rừng và nhân dân triển khai, thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng.
  • 'Hướng đến một xã hội phát triển bền vững và nhân văn

    Hướng đến một xã hội phát triển bền vững và nhân văn

    Xã hội -
    Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay có chủ đề “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”, tỉnh ta đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, lan tỏa thông điệp về quyền sinh sản, nâng cao chất lượng dân số, hướng đến một xã hội phát triển bền vững và nhân văn.
  • 'Phát huy vai trò nòng cốt trong đảm bảo an ninh quốc gia

    Phát huy vai trò nòng cốt trong đảm bảo an ninh quốc gia

    An ninh trật tự -
    Là đơn vị chủ công trong điều tra, xử lý các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, những năm qua, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh luôn chủ động bám sát tình hình, nắm chắc địa bàn, kịp thời tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, phát hiện và đấu tranh kịp thời tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, không để hình thành “điểm nóng” trên địa bàn.
  • 'Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả

    Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả

    An ninh trật tự -
    Bảo vệ chính trị nội bộ là một bộ phận trọng yếu trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những năm qua, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
  • 'Hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài

    Hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài

    Kinh tế -
    Những năm gần đây, tỉnh Sơn La chủ động triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và hiệu quả trong tăng cường hợp tác và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, thu hút nguồn lực quốc tế, góp phần thiết thực vào sự phát triển bền vững của địa phương.
  • 'Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch

    Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch

    Du lịch -
    Thành lập trên cơ sở nhập các phường (Mộc Lỵ, Mường Sang và xã Chiềng Hắc), phường Mộc Châu có địa bàn rộng, với nhiều điểm du lịch là điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại và dịch vụ tổng hợp, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và khách du lịch.