Phát huy lợi thế khí hậu, đất đai, xã Mường Thải, huyện Phù Yên là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn ở huyện Phù Yên, với trên 200 ha. Thời điểm này, nông dân các bản đang tập trung chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh và phòng, chống hạn cho cây trồng, đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm niên vụ 2023.
Đến bản Văn Phúc Yên, trên những triền đồi, các hộ dân đang tập trung bón phân, tỉa cành cho cây ăn quả có múi. Dừng chân tại vườn cam, bưởi rộng 7.000 m2 của gia đình bà Đào Thị Phóng, được bà chia sẻ: Vườn cam của gia đình tôi đã cho thu hoạch 4 năm nay với sản lượng trung bình trên 4 tấn quả/năm, giá bán 20.000 - 25.000 đồng/kg, mang lại thu nhập 100 triệu đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình tập trung nhân lực dọn vệ sinh vườn cây, cắt tỉa những cành sâu để phòng ngừa dịch bệnh. Chủ động bón lót bằng các loại phân chuồng, phân hữu cơ và nguồn nước tưới cho diện tích cam và bưởi của gia đình để cây cam sớm phục hồi.
Thời điểm này, các thành viên gia đình ông Đỗ Hồng Hải, bản Văn Phúc Yên đang tập trung cắt tỉa cành, tạo tán và xới xáo xung quanh gốc, bón phân cho 1 ha cây cam đón lộc và hoa. Chia sẻ kinh nghiệm để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm quả, ông Hải nói: Diện tích cam của gia đình thường xuyên bổ sung các loại phân hữu cơ và tưới nước đầy đủ, nhất là những tháng mùa khô. Chủ động nguồn tưới từ sớm, nên diện tích cam của gia đình phát triển tốt không bị hạn, hy vọng có thêm một vụ mùa bội thu.
Xã Mường Thải hiện có 204 ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là cam, quýt, bưởi, nhãn, xoài... trong đó, hơn 170 ha cho thu hoạch, sản lượng gần 1.700 tấn quả/năm, tập trung ở các bản: Văn Phúc Yên, Khe Lành, bản Thải, bản Chiếu... Đây là các bản có lợi thế về đất đai, độ dốc vừa phải, khí hậu mát mẻ, nguồn nước tương đối ổn định, phù hợp với việc phát triển trồng các loại cây ăn quả. Hằng năm, xã mời cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện về tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho nông dân.
Hiện nay, cam, quýt là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông hộ trong xã Mường Thải, để có vụ thu hoạch thắng lợi, việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh sau thu hoạch đối với cam, quýt được nông dân ở đây thực hiện rất cẩn trọng. Mặc dù bà con đã có kinh nghiệm từ nhiều năm nay, nhưng địa phương vẫn luôn đồng hành, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con làm cỏ, bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu nhớt hại lộc cây cam, quýt đúng cách, bởi đây là loại sâu đặc biệt nguy hại, nếu lơ là trong thời điểm cây đang ra lộc, ra hoa, sâu sẽ phá hoại gây mất mùa.
Những năm gần đây, với mục tiêu sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn phục vụ người tiêu dùng, các hộ trồng cây ăn quả ở Mường Thải tích cực học tập, nghiên cứu quy trình trồng, chăm sóc cây theo phương pháp hữu cơ. HTX trồng cam Văn Yên đã tiên phong áp dụng quy trình trồng theo phương pháp hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX trồng cam Văn Yên, cho biết: HTX trồng 7 ha cam vinh, cam đường canh, quýt ngọt, bưởi diễn. Ngay sau khi thu hoạch xong vụ trước, tôi đã chuẩn bị đầy đủ các loại phân bón, thuốc bảo vệ cây theo từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, để tránh hiện tượng thoát nước nhanh trong khoảng thời gian nắng nóng, tôi chỉ dọn cỏ xung quanh gốc cây, còn giữ nguyên cỏ trong vườn. Đồng thời, tôi luôn chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật cho một số hộ dân tại các địa phương bắt đầu chuyển đổi sản xuất theo phương pháp hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX đã mở rộng liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Hiện nay, thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 500 triệu đồng/năm.
Chủ động chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, khô hạn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tin tưởng vụ sản xuất cây ăn quả năm nay, xã Mường Thải sẽ tiếp tục đạt năng suất, chất lượng cao với những vụ mùa bội thu để nâng cao thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!