Mường Lạn mở rộng diện tích cây ăn quả

Về xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp những ngày này, trên khắp các đồi, nương, nhiều loại cây ăn quả đang thời kỳ nở rộ hoa. Bà con nông dân tích cực chăm sóc, bón thúc và phòng chống sâu bệnh, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đậu trái cao.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của gia đình chị Vì Thị Tình, bản Cống, là một trong những hộ đầu tiên của bản chuyển đổi 1,5 ha trồng ngô, sắn sang trồng xoài, cam, nhãn. Chị Tình cho biết: Năm 2015, thực hiện mô hình trồng xoài Đài Loan từ nguồn vốn hỗ trợ theo Chương trình 30a, gia đình tôi trồng 550 cây xoài. Sau đó, trồng trên 250 gốc cam Vinh, 100 gốc nhãn. Đồng thời, đầu tư 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới, sản xuất theo hướng VietGAP. Mỗi năm từ vườn cây ăn quả, gia đình thu trên 200 triệu đồng. Hiện nay, cả bản có 38 ha cây ăn quả các loại, trong đó 21 ha đã cho thu hoạch. Thu nhập từ cây ăn quả của năm 2022, cả bản đạt gần 1,5 tỷ đồng, góp phần đưa thu nhập bình quân của bản lên 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 12%.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn hướng dẫn bà con chăm sóc cây ăn quả.

Năm 2015, gia đình ông Lò Văn Sai, bản Nà Khi, vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với vốn vay của anh em họ hàng trong gia đình, ông thuê 1,5 ha đất của 2 hộ dân trong xã để trồng cây ăn quả. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo kỹ thuật chăm sóc từ những mô hình thành công ở trên địa bàn huyện để áp dụng vào sản xuất. Ông còn trồng xen ngô và rau màu để có thêm thu nhập. Năm 2022, sản lượng các loại quả đạt 19 tấn, trừ chi phí thu hơn 150 triệu đồng. Không riêng gia đình ông Sai mà trong bản còn nhiều hộ có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm từ cây ăn quả. Ông Sai đang bàn bạc, thống nhất liên kết với các hộ dân trong bản thành lập hợp tác xã để phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn.

Từ thực tế trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, cấp ủy, chính quyền xã Mường Lạn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển diện tích đất dốc, đất vườn trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hằng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức từ 3-5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cắt, ghép cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn quả cho nhân dân; giới thiệu, hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả.

Nếu như năm 2016, xã Mường Lạn mới có khoảng 70 ha cây ăn quả, đến nay đã tăng lên trên 360 ha, trong đó gần 100 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu là nhãn, xoài, cam, chuối... Nhờ phát triển cây ăn quả, thu nhập bình quân của xã năm 2022 đạt 21 triệu đồng/người, tăng 8 triệu đồng so với năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 30%.

Ông Vì Văn Định, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp, cho biết: Đơn vị đang phối hợp với xã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cây ăn quả theo quy hoạch vùng để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới mục tiêu xây dựng vườn cây ăn quả theo hướng VietGAP. Thời điểm này, khuyến cáo bà con tranh thủ cắt tỉa cành, làm sạch gốc, bón phân cho cây ăn quả để tăng khả năng đậu quả, bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển cho cây. Thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng đúng hướng dẫn kỹ thuật.

Hiện nay, cùng với mở rộng diện tích cây ăn quả, chính quyền xã Mường Lạn tập trung vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm quả. Liên kết thành lập các hợp tác xã trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần giảm nghèo bền vững.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới