“Mưa vàng” giải hạn cho cây trồng

Từ đầu năm đến nay, lượng mưa trên trên địa bàn tỉnh rất thấp, nắng nóng kéo dài và khô hanh nên đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng; cây trồng bị khô hạn, không phát triển được. Trận mưa trong ngày 26/4 ở nhiều địa phương trong tỉnh được ví như “mưa vàng”, giúp giảm nguy cơ cháy rừng, “giải hạn” cho hàng nghìn hecta cây trồng trên địa bàn.

Tại huyện Mai Sơn, trận mưa sáng ngày 26/4 còn giúp cho nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư, công lao động. Anh Bùi Văn Lộc, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 7 ha trồng na. Thời điểm này, na đang bước vào giai đoạn thụ phấn. Để giải hạn cho cây trồng, những ngày qua, gia đình tôi đã phải mua nước về tưới, với giá 150 nghìn đồng/khối nước. Mỗi đợt tưới cho toàn bộ diện tích na, gia đình tôi phải chi phí hết 5 triệu đồng tiền nước và tiền công. Trận mưa này có ý nghĩa rất lớn, nó đã giúp người dân trong vùng xua tan được nỗi lo thiếu nước trong mùa khô; bớt được một đợt tưới nước cho cây trồng và tiết kiệm được hàng triệu đồng.

Nông dân xã Cò Nòi chăm sóc vườn na.

Còn tại huyện biên giới Sốp Cộp, sau nhiều tháng khô hạn, ngay khi có trận mưa đầu mùa, bà con đều đang tranh thủ sau mưa, tập trung vun gốc và bón phân cho các cây ăn quả. Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX Toản Duyên, xã Nậm Lạnh, cho biết: HTX có 35 thành viên, thâm canh 30 ha cây ăn quả gồm xoài, cam, quýt. Thời điểm này cây đang cần nước nhất nên HTX phải cắt cử người thường xuyên ở trên đồi để bơm nước từ suối lên tưới cho cây trồng. Tuần trước, gia đình tôi và các hộ làm vườn khác trên địa bàn rất lo lắng vì không đủ nước tưới cho cây trồng. Rất may, trận “mưa vàng” này đã kịp thời xóa tan nỗi lo cho gia đình. Ngay sau trận mưa sáng nay, các thành viên thuê thêm nhân công để bón phân cho cây ăn quả, đảm bảo năng suất, chất lượng quả. 

Cánh đồng xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp sau trận mưa sáng ngày 26/4.
(Ảnh Vũ Tuấn)

Trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã hơn 2 tháng chưa có mưa. Nhiều diện tích ngô phải trồng lại đến 3 lần. Đối với cây ăn quả đang trong thời kỳ đậu quả non, thiếu nước khiến cho một số diện tích cây bị rụng quả, ảnh hưởng đến năng suất. Ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp, thông tin: Những ngày qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số cơn mưa cục bộ nhưng chưa giải quyết được tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng. Trận mưa kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ trên phạm vi toàn huyện đã giải hạn cho hơn 2.000 ha cây ăn quả, trên 500 ha cà phê. Nhất là, thời điểm hiện tại,  người dân đang tiến hành trồng cây trên nương, trận mưa sẽ giúp bà con nông dân thuận lợi hơn trong việc gieo trồng.

Nông dân xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã bón phân cho cây nhãn.

Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết:  Trận mưa này có ý nghĩa rất lớn với nông dân trong tỉnh. Bởi thời điểm này, hơn 60.000 ha cây ăn quả, như nhãn, xoài, mận, bưởi, cam… của địa phương đang bước vào thời điểm dưỡng trái - thời điểm quan trọng để cây trồng tích lũy dinh dưỡng quyết định năng suất mùa vụ. Các loại cây trồng khác như cà phê, rau màu, lúa cũng đang cần nước, nhất là lúa đang bắt đầu bước vào thời kỳ làm đòng. Mặc dù lượng mưa không lớn nhưng lượng nước phủ đều trên toàn bộ bề mặt đất, giúp cây trồng hấp thụ nước tốt hơn.

Ngoài giúp cây ăn quả và hoa màu được tưới mát, trận “mưa vàng” cũng đã giúp trên 655.330 ha rừng trên địa bàn giải tỏa “cơn khát”, dập tắt những đám cháy và giảm nguy cơ cháy rừng. Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Mưa đã làm tăng độ ẩm, hạ nhiệt, làm giảm cấp báo động cháy rừng ở các địa phương trong tỉnh. Chúng tôi vẫn đang chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, chủ động phòng, chống cháy rừng theo kế hoạch, sẵn sàng phương án cho mọi tình huống bất thường.

Theo Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc, trong vài ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trận mưa vào đúng thời gian cao điểm của vụ khô hanh có ý nghĩa rất lớn, góp phần làm ẩm đất, cây trồng có điều kiện phát triển xanh tốt hơn, giảm nguy cơ cháy rừng, giúp bổ sung nguồn nước cho các sông, suối, cung cấp nước tưới cho đồng ruộng, khôi phục lại các diện tích cây nông nghiệp trước nguy cơ hạn hán.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới