Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc

Phát huy tiềm năng và lợi thế ở địa phương, huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân.

Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của nông dân xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu.

Trang trại của gia đình anh Lò Văn Dục, bản Lè, xã Tông Cọ, đang nuôi hơn 40 con bò lai sind. Ngoài tận dụng rơm, rạ, thân cây ngô sau thu hoạch, gia đình anh còn trồng 0,5 ha cỏ VA06 và ủ chua để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh nên đàn bò phát triển tốt. Anh Dục chia sẻ: Nuôi bò thịt cần chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn phát triển và bảo đảm nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng, mỗi năm, gia đình bán khoảng 20 con bò thịt, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng.

Là xã có lợi thế về phát triển chăn nuôi đại gia súc, trước đây, bà con ở xã Mường Khiêng chăn nuôi chủ yếu làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, hiện nay, các hộ đã chuyển sang chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo cung cấp cho thị trường. Nhiều hộ vay vốn đầu tư chuồng trại, mua con giống; áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, cải tạo, nâng cao chất lượng đàn trâu, bò. Ông Quàng Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, thông tin: Xã đã hình thành các khu chăn nuôi đại gia súc tập trung, quy mô tại bản Khiêng, Nà Sành, Nong Bon, Nà Viềng, Phai Xe bản Bó và bản Phát, với gần 5.000 con trâu, bò. Để chủ động nguồn thức ăn, bà con đã trồng hơn 100 ha cỏ voi và 54 ha ngô sinh khối. Hiện nay, nhiều hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, thoát nghèo và vươn lên khá giả; điển hình là hộ ông Lò Văn Đảng, bản Phát, nuôi 14 con bò; Lò Văn Bính, bản Khiêng nuôi 12 con bò sinh sản; Lò Văn Nguyễn, bản Phé Hằng nuôi 17 con bò...

Hiện nay, huyện Thuận Châu có trên 61.000 con trâu, bò. Hằng năm, huyện giao chỉ tiêu cho từng xã về phát triển số lượng đại gia súc. Tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân xây dựng chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn phòng chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi. Từ năm 2015 đến nay, từ Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ hơn 2.200 con bò sinh sản cho các hộ nghèo. Các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp tục triển khai chương trình truyền giống nhân tạo, Dự án “Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển con lai F1 giữa bò 3B và bò lai sind trên địa bàn tỉnh Sơn La” tại xã Tông Cọ, Tông Lạnh và Thôm Mòn.

Đồng hành với nhân dân trong phát triển chăn nuôi, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã giải quyết cho 7.684 hộ vay vốn, hiện tổng dư nợ hơn 8,4 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã cấp 420 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các xã để phòng dịch bệnh; nông dân các xã đã tiêm hơn 30.000 liều vắc xin phòng các bệnh cho trâu, bò. Ngoài ra, huyện còn khuyến khích nông dân tận dụng diện tích đất trống, chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng 1.200 ha cỏ voi và 1.077 ha ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi.

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu, cho biết: Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung bền vững. Đến nay, có 78% số hộ chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại kiên cố, bán kiên cố; trên 50 hộ nuôi gia trại, trang trại từ 20-40 con; gần 1.500 hộ nuôi từ 5-12 con trâu, bò. Phòng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng và áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để cải tạo giống, tầm vóc đàn bò địa phương, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng thịt thương phẩm. Đồng thời, phát triển mô hình nuôi bò lai sind, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Mục tiêu đến năm 2025, tổng đàn trâu, bò của huyện Thuận Châu đạt trên 80.000 con; hình thành, phát triển các khu, cơ sở chăn nuôi đại gia súc công nghiệp tập trung, gắn với các cơ sở cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến. Huyện Thuận Châu tập trung tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung để phát huy tối đa lợi thế đất đai; khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tăng đàn vật nuôi đối với các trang trại, gia trại, gắn với bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi của địa phương.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới