Từ 6 ha chè trồng thí điểm tại bản Nà Khoang, đến nay, xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu đã mở rộng lên 179 ha tại 6 bản. Cây chè là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.
Là xã vùng 3 của huyện Thuận Châu, Phổng Lập có trên 2.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đồi núi dốc. Trước đây, nông dân trong xã chỉ trồng cây sắn, ngô, lúa nương, sau nhiều năm canh tác đất bạc màu, năng suất thấp.
Năm 2015, sau khi nghiên cứu, học tập mô hình trồng chè ở xã Phổng Lái, Chiềng Pha, Đảng bộ xã đã ra nghị quyết đưa cây chè vào trồng tại xã. Lồng ghép các chương trình, dự án, xây dựng mô hình để bà con thấy hiệu quả của cây chè. Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng chè.
Năm 2016, từ nguồn vốn chương trình 135, xã Phổng Lập phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng thí điểm trồng 6 ha chè giống LPD1 tại bản Nà Khoang, với 15 hộ tham gia. Các hộ dân thực hiện mô hình được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè. Từ việc vận động, tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã và hiệu quả mô hình hỗ trợ các hộ trồng chè, đến nay, nông dân trong xã đã nhân rộng và phát triển lên 179 ha chè, tập trung tại các bản Nà Ban, Ta Tú, Nà Khoang, Mầu Thái, Pá Sàng, bản Lập.
Ông Lỗ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lập, cho biết: Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xã đã vận động nhân dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Liên kết với Công ty TNHH nông sản Thân Nga, Công ty chè Thu Đan, HTX chè Phỏng Lái để tiêu thụ chè búp tươi cho bà con để chế biến xuất khẩu sản phẩm. Hiện nay, năng suất chè bình quân của xã đạt hơn 5 tấn/ha, sản lượng chè nguyên liệu năm 2022 hơn 850 tấn, với giá thu mua ổn định là 8.000-10.000 đồng/kg búp chè tươi, trừ chi phí thu lãi gần 40 triệu đồng/ha.
Ông Lường Văn Lấn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nà Khoang, cho biết: Bản có 77 hộ. Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, bà con trong bản ủng hộ chủ trương trồng chè của xã, từ 6 ha chè hỗ trợ theo Chương trình 135, đến nay, bản có 32 hộ trồng 23 ha chè, năm 2022 sản lượng chè búp tươi đạt gần 120 tấn, thu nhập gần 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với trồng ngô, sắn trước đây. Hiện nay, cả bản còn 13 hộ nghèo.
Nhiều hộ gia đình ở các bản đã có thêm thu nhập ổn định từ cây chè. Ông Lò Văn Hiếu, bản Kẻ, chia sẻ: Năm 2017, tôi đã chuyển 1,5 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng chè. Hiện nay, với 1,5 ha chè, thu nhập của gia đình khá ổn định, không lo đói nghèo nữa.
Định hướng phát triển cây chè trong thời gian tới, ông Lỗ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lập, cho biết thêm: Xã đang quy hoạch 23 ha chè nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, và từng bước xây dựng sản phẩm chè thành sản phẩm OCOP của xã. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai chương trình phát triển chè theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Trong đó, thực hiện mô hình hơn 50 ha tại bản Ta Tú, Nà Khoang, các hộ tham gia được hỗ trợ phân bón hữu cơ, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè của bà con.
Cây chè đã bén rễ và phát triển tốt trên vùng đất dốc ở Phổng Lập. Người dân nơi đây tin rằng, đây là cây trồng sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, giúp bà con giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!