Cầu nối đưa KHKT đến với nông dân

30 năm gắn bó với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hệ thống khuyến nông của tỉnh không ngừng phát triển, đổi mới hoạt động phù hợp tình hình thực tiễn; thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Trường Tiến, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.    

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Hiện nay, hệ thống khuyến nông duy trì 21 cán bộ khuyến nông tỉnh, trên 100 cán bộ khuyến nông huyện và hơn 350 khuyến nông viên xã. Trong 30 năm qua, công tác nhân rộng, triển khai các mô hình nông nghiệp mới liên tục được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện đa dạng trên mọi lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát huy lợi thế của từng vùng, từng vụ; hướng dẫn nông dân chuyển đổi sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển nông nghiệp bền vững. Các mô hình khuyến nông còn là điểm trình diễn cho nông dân tham quan, học tập và áp dụng vào sản xuất.

Bằng nguồn hỗ trợ từ ngân sách, hệ thống khuyến nông tỉnh đã thực hiện 108 mô hình khuyến nông, với 80.408 hộ nông dân tham gia. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất ngô, sắn bền vững trên đất dốc; thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn (GAP cơ bản); rau trái vụ; ghép cải tạo vườn cây ăn quả; trồng thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn chín sớm; thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; thâm canh cây mắc ca; hỗ trợ nuôi cá lồng bè, nuôi gà thịt an toàn sinh học bằng đệm lót lên men, nuôi lợn nái móng cái và lợn sinh sản hướng nạc, nuôi ong mật; chăn nuôi bò sinh sản… Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật triển khai các mô hình máy gặt đập liên hợp, máy làm đất đa năng; mô hình tưới ẩm cho mía; máy sấy nông sản; nhà sấy năng lượng mặt trời…

Việc tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, tư duy và tập quán canh tác, giúp nông dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất ngày một nhiều. Các mô hình trình diễn được nông dân tiếp nhận, từng bước nhân rộng, hình thành, phát triển thành các chuyên canh sản xuất tập trung, sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những mô hình thuộc Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022 hỗ trợ thực hiện 16 ha tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu. Mô hình đã kết thúc hỗ trợ, nhưng các hộ tham gia vẫn duy trì, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, sử dụng phân bón hữu cơ, bọc trái và cắt tỉa cành tạo tán cho vườn cây. Ông Hà Văn Khánh, bản Nà Hạ, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Sau hơn 2 năm tham gia mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tôi đã thay đổi thói quen, phương thức sản xuất từ kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất an toàn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, sản phẩm có mẫu mã đẹp, quả đều, giá bán cao hơn các loại xoài khác từ 2.000-3.000 đồng/kg. Với phương thức sản xuất an toàn đã góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng, phát triển nông nghiệp bền vững.

30 năm qua, hệ thống khuyến nông trong toàn tỉnh đã tổ chức 291 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho trên 8.600 lượt cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, thành viên HTX. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho trên 13.400 lượt cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở; tổ chức hơn 3.000 cuộc tham quan, hội thảo, tổng kết mô hình khuyến nông điển hình.

Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình trồng chuối theo hướng an toàn tại bản Lót Măn, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu.

Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất nông, lâm, thủy sản, khuyến công tổ chức thường xuyên. Đến nay, đã mở gần 37.700 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho trên 1,5 triệu lượt nông dân. Công tác tuyên truyền được triển khai đa dạng, bằng nhiều hình thức, như: Phát hành ấn phẩm khuyến nông, cuốn sách Nhà nông cần biết... phục vụ các hoạt động khuyến nông và sản xuất nông nghiệp địa phương. Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về điển hình sản xuất, kinh doanh, mô hình nông nghiệp mới, các quy trình kỹ thuật sản xuất về nông, lâm, ngư nghiệp..., góp phần cung cấp thông tin, kiến thức khuyến nông cho nông dân, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất độc canh, quảng canh sang thâm canh, chuyên canh, xen canh, gối vụ,… từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, khuyến khích nông dân sử dụng các giống mới có năng suất chất lượng cao.

Những kết quả của ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đạt được có sự góp sức không nhỏ của hệ thống khuyến nông. Những kỹ sư nông nghiệp vừa là người bạn đồng hành, vừa là cầu nối khoa học kỹ thuật giúp nông dân địa phương thêm kiến thức, niềm tin, động lực thi đua lao động sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới