Phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Sau 3 năm triển khai, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên thực hiện đã mở rộng vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước và xuất khẩu.

Giọng nữ

Tại tỉnh Sơn La, giai đoạn 2021-2025, Dự án hỗ trợ mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại Sơn La" quy mô 30 ha tại các huyện Yên Châu, Sông Mã và Mường La; hỗ trợ mô hình “Trồng thâm canh dứa theo tiêu chuẩn VietGAP” quy mô 30 ha tại các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã và Thuận Châu.

Là đơn vị trực tiếp triển khai các mô hình trên địa bàn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La đã rà soát, lựa chọn các hộ nông dân tự nguyện, có đủ điều kiện, có vùng trồng tập trung, để hỗ trợ tham gia. Chỉ đạo các tổ khuyến nông cộng đồng đã tham gia tuyên truyền, triển khai các mô hình tại cơ sở.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, Dự án đã thực hiện 5 mô hình trồng thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: 20 ha xoài tại huyện Yên Châu, Sông Mã; 5 ha chanh leo tại huyện Mai Sơn; 20 ha dứa tại huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sông Mã và Thuận Châu. Các mô hình được triển khai đã chứng minh hiệu quả công tác khuyến nông, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phương pháp canh tác của nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tham gia Dự án, HTX Nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, được hỗ trợ giống chanh leo DG1, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm của HTX ngày càng được nâng lên.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh thăm mô hình trồng chanh leo của hộ liên kết sản xuất với HTX Nông nghiệp Bảo Sam.

Ông Lò Văn Sam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bảo Sam, cho biết: Năm 2021, HTX được hỗ trợ 50% số cây giống, chuyển giao kỹ thuật, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX duy trì sản xuất hơn 30 ha chanh leo và liên kết trồng gần 70 ha chanh leo với các hộ ở các xã Cò Nòi, Chiềng Lương và Phiêng Pằn. Hiện nay, sản phẩm chanh leo của HTX được các công ty thu mua theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm và tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước. Dự kiến trong năm 2025, HTX sẽ liên kết với các hộ dân, triển khai mở rộng diện tích trồng chanh leo từ 30 - 40 ha.

Thành công của dự án không chỉ dừng lại ở những hộ nông dân được hỗ trợ trực tiếp, điều đáng mừng là khi chứng kiến hiệu quả của mô hình, nhiều hộ sản xuất khác đã tự nguyện tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Ông Quàng Văn Hợi, bản Sàng, xã Chiềng Lương, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi mua phải giống chanh leo kém chất lượng, năng suất rất thấp. Thấy bà con thành viên HTX Nông nghiệp Bảo Sam trồng giống chanh leo mới quả to đẹp, năng suất cao, tôi đã đề nghị liên kết sản xuất. Gia đình tự nguyện đầu tư cây giống mới, HTX hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ vậy, 8.000 m2 đất chanh leo đã cho thu hoạch gần 30 tấn/năm. HTX bao tiêu sản phẩm nên tôi không phải lo đầu ra.

Mô hình trồng chanh leo của hộ ông Quàng Văn Hợi, bản Sàng, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn.
Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, thu hoạch xoài.

Năm 2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp xoài Sông Mã, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh xoài an toàn. Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ, chúng tôi đã áp dụng và được chứng nhận sản xuất xoài an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10 ha. Năm 2024, dù thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, nhưng năng suất xoài vẫn đạt 20 tấn/ha, cao hơn 30% so với các vườn xoài khác trong vùng. Sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, mang lại doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng.

Trong 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh xoài, dứa, chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ quản lý kinh doanh HTX trồng cây ăn quả. Ngoài ra, tổ chức tập huấn lợi ích của liên kết sản xuất với nhà máy chế biến cho 30 hộ ở huyện Quỳnh Nhai không, hỗ trợ 945.000 chồi dứa, trên 47.000 cây dứa trồng dặm, 3.400 cây giống chanh leo, 980 túi bao quả xoài...

Kỹ sư nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nông dân huyện Sông Mã cách chăm sóc vườn xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, cho biết: Thành công bước đầu của Dự án là cơ sở nhân rộng các mô hình, kết nối với các nguồn vốn của tỉnh, huyện để triển khai. Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia mô hình. Đồng thời, kiến nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô dự án, tăng cường nguồn vốn và mở rộng đối tượng thụ hưởng. Mục tiêu là phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích đất, từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Các mô hình trồng và thâm canh cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP được Dự án hỗ trợ, triển khai đã góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững; từng bước thay đổi tư duy canh tác của bà con nông dân, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị nông sản.

 

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới