Nỗ lực phát triển kinh tế ở xã vùng khó khăn

Theo con đường vành đai lòng hồ thủy điện Sơn La, chúng tôi di chuyển từ xã Mường Khiêng sang xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu. Đứng từ trên cao nhìn xuống mặt hồ thủy điện trong xanh, bật lên là những lồng cá được bố trí như những ô bàn cờ; xa xa là những chiếc thuyền của bà con tham gia chở khách, đánh bắt thủy sản; những quả đồi trọc nay đã được phủ xanh bằng cây ăn quả. Bản mường đổi thay sau nhiều năm nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới.

Giọng nữ
Nông dân bản Tát Ướt, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu, phát triển nghề nuôi cá lồng.

Tìm hiểu được biết, trước đây, xã Liệp Tè có 16 bản, trong đó, 13 bản nằm dọc sông Đà, với 2 dân tộc sinh sống là La Ha và Thái. Cuộc sống của bà con gắn bó với cây lúa nước, làm nương và đánh bắt thủy sản trên dòng sông Đà; giao thông đi lại khó khăn, việc giao thương trao đổi hàng hóa không thuận lợi. Năm 2005, thực hiện di chuyển dân giải phóng lòng hồ, xã có 13 bản bị ảnh hưởng, trong đó 1 bản di chuyển tái định cư ở ngoài xã và 12 bản còn lại thực hiện di dân tại chỗ. Khi thủy điện Sơn La tích nước, hầu hết vùng đất thuận lợi canh tác, lúa nước của bà con đều bị ngập. Bài toán đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương lúc bấy giờ là lựa chọn cây, con giống được chú trọng để người dân ổn định cuộc sống.

Ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hiện nay, xã có 950 hộ dân ở 14 bản nằm bên lòng hồ thủy điện. Cả xã có trên 4.359 ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nhưng độ dốc lớn, canh tác lâu năm nên nhiều diện tích bạc màu, năng suất thấp. Khắc phục khó khăn, cấp ủy, chính quyền xã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế; đề ra các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện. Đồng thời, vận động nhân dân chuyển diện tích đất dốc sang trồng cây ăn quả; khai thác mặt nước trên lòng hồ thủy điện Sơn La để phát triển nuôi thủy sản. Các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Thanh niên lập thân lập nghiệp”... thu hút hội viên, đoàn viên tham gia. Đồng thời, nhận ủy thác với các tổ chức tín dụng cho 549 hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, tổng dư nợ hơn 38 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xã tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Tính từ năm 2020 đến nay, các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ 335 hộ dân tộc La Ha xây dựng chuồng trại chăn nuôi và cải tạo ao nuôi thủy sản, tổng kinh phí gần 290 triệu đồng; 331 hộ được hỗ trợ bê giống, cá giống, kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay, xã có hơn 333 ha cây ăn quả các loại; thâm canh trên 1.300 ha ngô, sắn; 186 hộ tham gia nuôi cá lồng, với 662 lồng cá; duy trì trên 3.000 con gia súc, 11.225 con gia cầm... Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế và được nhân rộng, như: Nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả ở bản Tát Ướt, Ban Xa; trồng cây ăn quả, nuôi gia súc ở bản Kia, bản Bắc...

Bản Tát Ướt có 74 hộ dân, trong phát triển kinh tế, ban quản lý bản và các đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động các hộ dân liên kết thành lập HTX. Đến nay, bản có 1 HTX nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, với 33 thành viên, duy trì nuôi 120 lồng cá, chủ yếu là cá lăng đen, lăng vàng; chăm sóc 54 ha cây ăn quả các loại. Năm 2023, thu nhập của HTX đạt hơn 2,3 tỷ đồng.

Anh Quàng Văn Hiên, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tát Ướt, cho biết: Ban quản lý bản đã hướng dẫn nhân dân sử dụng nguồn vốn vay thông qua các tổ chức đoàn thể để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp. Bà con mong muốn tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn để có thêm kinh nghiệm trong sản xuất.

Thăm mô hình kinh tế tổng hợp của chị Quàng Thị Hương, điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở bản Kia. Chị Hương chia sẻ: Sau khi đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài xã, năm 2017, gia đình đầu tư trồng 2 ha xoài; xây chuồng trại chăn nuôi gia súc và nuôi cá lồng. Đến nay, gia đình tôi có 5 con bò sinh sản; 2 ha xoài; 3 ha sắn, ngô; duy trì 2 lồng cá, mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm ở Liệp Tè được xây dựng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản đều đi được 4 mùa. 100% bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường...

Năm 2024, xã Liệp Tè phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 30%. Để đạt được mục tiêu đề ra, những tháng cuối năm, xã tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn lực để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Đồng thời, hướng dẫn bà con chăm sóc cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; tập trung chăn nuôi gia súc theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát huy nội lực, triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước để tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới