Ngày 2/3/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/CP về công tác khuyến nông, đánh dấu sự ra đời của hệ thống khuyến nông Việt Nam. Sau đó 1 năm, ngày 11/5/1994, Khuyến nông Sơn La được thành lập theo Quyết định số 248/QĐ-TC của UBND tỉnh. 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống khuyến nông Sơn La luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng, sản lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Trải qua các thời kỳ phát triển với những tên gọi khác nhau, nhưng nhiệm vụ xuyên suốt hành trình 30 năm qua của Trung tâm Khuyến nông Sơn La luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Sơn La. Ngày đầu mới thành lập, Trung tâm Khuyến nông được giao biên chế 18 người, ngoài ra có hệ thống trạm khuyến nông cấp huyện. Sau đó, biên chế được tăng theo nhiệm vụ hằng năm, thời kỳ cao điểm có 27 biên chế cấp tỉnh và 127 biên chế cấp huyện. Ngoài ra, có 1.031 cộng tác viên khuyến nông bản. Đến năm 2015, thực hiện Quyết định số 3308/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 chuyển Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh về UBND các huyện, thành phố, trong đó chuyển 126 người làm việc tại 12 Trạm Khuyến nông về UBND các huyện, thành phố quản lý. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La được kiện toàn lại, hiện nay có 22 biên chế.
Trong công tác thông tin tuyên truyền, Trung tâm chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đã phối hợp tổ chức 5 hội thi khuyến nông cấp tỉnh, vùng Tây Bắc; tổ chức 6 diễn đàn khuyến nông “ nông nghiệp vùng Tây Bắc” về các lĩnh vực phát triển bền vững trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp thu hút 1.885 lượt nông dân tham gia. Ngoài ra, tổ chức 8 Hội chợ nông nghiệp - thương mại vùng Tây Bắc; biên soạn, in, phát hành hàng trăm nghìn cuốn bản tin khuyến nông Sơn La, bản tin sản xuất và thị trường, nông lịch Sơn La, ngư lịch Sơn La, sách nhà nông cần biết đưa đến cho nông dân.
Tổ chức 291 lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, thành viên HTX, với 8.652 lượt người; 37.698 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm, thủy sản, khuyến công... cho 1.556.297 lượt nông dân; sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở... Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, từng bước làm thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất độc canh, quảng canh sang sản xuất thâm canh, chuyên canh, xen canh, gối vụ; từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Bằng nguồn ngân sách, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 108 loại mô hình khuyến nông. Tiêu biểu, mô hình liên kết sản xuất ngô, sắn bền vững trên đất dốc; thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn, rau trái vụ. Về cây ăn quả, chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo vườn cây ăn quả nhãn, xoài, bưởi, quýt; thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn giống chín sớm nhằm giải vụ thu hoạch phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; chuỗi giá trị chuối Yên Châu; trồng và thâm canh cải tạo quýt Chiềng Cọ; trồng thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP... Cây công nghiệp, thực hiện thành công 10 loại mô hình khuyến nông về cà phê, cây mía, cây chè với quy mô hơn 300 ha, 914 hộ tham gia. Thủy sản, thực hiện thành công mô hình nuôi cá rô phi luân canh lúa - cá; cá lồng bè, cá lồng hồ chứa...
Ngoài ra, thực hiện thành công 27 loại mô hình khuyến nông chăn nuôi, điển hình là các mô hình nuôi gia cầm sinh sản gắn với máy ấp trứng; nuôi lợn đực giống ngoại; nuôi gà thịt an toàn sinh học bằng đệm lót lên men; nuôi ong mật; nuôi bò sinh sản. Về mô hình khuyến công, đã đưa các loại máy gặt đập liên hợp, làm đất đa năng, tưới ẩm cho mía, sấy nông sản, băm thân cây cỏ, ngô, sấy năng lượng mặt trời vào đời sống sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân...
Tham gia chương trình “Mục tiêu quốc gia giảm nghèo” giai đoạn 2006-2012 và Dự án “chương trình khí sinh học” giai đoạn 2014-2017, Khuyến nông Sơn La đã đồng hành với nông dân xây dựng 2.838 công trình biogas, Chương trình không chỉ mang lại một môi trường sạch từ chăn nuôi, còn tiết kiệm tiền của, sức lao động từ việc thu và sử dụng khí biogas trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, giai đoạn năm 2014-2017, khuyến nông viên của 12 huyện, thành phố tích cực hướng dẫn các hộ nông dân xây dựng 2.566 điểm mô hình khuyến nông tự nguyện, không có hỗ trợ kinh phí của nhà nước cho 6.595 hộ tham gia.
Điểm sáng vai trò của khuyến nông Sơn La còn được khẳng định bằng việc thực hiện tốt chương trình khuyến nông tái định cư theo Quyết định 177/QĐ-UBND ngày 21/01/2010 của UBND tỉnh Sơn La. Hệ thống khuyến nông đã hỗ trợ nông dân tái định cư lập và thực hiện phương án sản xuất tại nơi ở mới, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo mùa vụ cho nông dân; xây dựng 757 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; thành lập 150 câu lạc bộ khuyến nông tại các khu điểm TĐC. Chung tay cùng cả nước thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho nhân dân các huyện nghèo theo chương trình khuyến nông tại các huyện nghèo của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Thời điểm năm 2009-2010, hệ thống khuyến nông Sơn La đã hỗ trợ cây, con giống cho 5 huyện nghèo, gồm: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp với 3.628 hộ dân được hưởng lợi.
Hợp tác quốc tế về khuyến nông được coi trọng, hơn 30 năm qua, có 11.206 hộ nông dân được tham gia, hưởng lợi từ các dự án: AAV về canh tác đất dốc, thú y cộng đồng; CARE của Đan Mạch về canh tác đất dốc, GTZ của Đức về lâm nghiệp, Dự án SNV của Hà Lan về canh tác nông, lâm nghiệp bền vững trên đất dốc, Dự án ICRAF của Úc về xây dựng sinh kế nông lâm kết hợp cho các hộ nông dân vùng Tây Bắc... Thông qua các dự án quốc tế, Khuyến nông Sơn La có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của thế giới và trong khu vực, kịp thời chuyển giao và nhân diện các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo xu thế trong nước, hội nhập với nông nghiệp khu vực và thế giới.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng mối quan hệ bền vững với các tỉnh của nước bạn Lào; giới thiệu các mô hình nông lâm nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh Sơn La cho các đoàn tham quan học tập của nước bạn Lào; xây dựng mô hình trồng 16 cỏ VA06 phát triển chăn nuôi đại gia súc, hỗ trợ 40 con bò cái sinh sản cho tỉnh Uđômxay; Trạm Khuyến nông Phù Yên thực hiện 3 ha cam, 25 ha lúa nếp tại tỉnh Luông Pha Băng; Trạm Khuyến nông Sông Mã thâm canh 1 ha lúa nước tại tỉnh Hủa Phăn...
Sự phát triển của Trung tâm Khuyến nông đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp Sơn La phát triển nhanh chóng. Từ đảm bảo an ninh lương thực đến khẳng định vị thế của một địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với 84.160 ha cây ăn quả và cây sơn tra; cà phê Arabica lớn nhất cả nước với trên 20.000 ha; cùng nhiều loại nông sản, có diện tích, sản lượng lớn, như: 5.235 ha chè, 9.259 ha mía, 42.537 ha ngô, trên 15.300 ha sắn. Đàn gia súc, gia cầm phát triển, toàn tỉnh có tổng đàn trâu ước tính 111.342 con; đàn bò đạt 394.388 con; đàn lợn 550.265 con; gia cầm 7.692 nghìn con... Giá trị nông sản tham gia xuất khẩu đạt 177,6 triệu USD.
Phát huy kết quả đạt được trong 30 năm qua, hệ thống Khuyến nông tỉnh Sơn La tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, giúp nông dân thay đổi tư duy, cách làm để người dân trở thành những chuyện gia trên đồng ruộng, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất. Phát huy lợi thế, hướng đến mục tiêu năm 2045, nông nghiệp Sơn La trở thành nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị cao, gắn kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, chú trọng công nghệ chế biến, bảo quản; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp xanh, bền vững.
Một số hoạt động của Trung tâm Khuyến nông Sơn La
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!