Mở rộng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến

Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương về sản xuất nông nghiệp, huyện Sông Mã đã thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Mở rộng vùng nguyên liệu

Triển khai vùng nguyên liệu cho Trung tâm Chế biến rau, quả Doveco Sơn La, năm 2021, huyện Sông Mã chọn xã Chiềng Khương làm điểm trồng cây dứa Queen. Qua tuyên truyền, vận động, đã có 38 hộ dân bản Huổi Mo và bản Mo đăng ký trồng 50 ha. Huyện đã phân bổ từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện 700 triệu đồng hỗ trợ 50% kinh phí mua giống và 600 triệu đồng mua phân bón. Hội Nông dân huyện cho các hộ vay 1 tỷ đồng từ Quỹ “Hỗ trợ nông dân” để đầu tư trồng dứa, (định mức vay 20 triệu đồng/ha).

Ông Cà Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, thông tin: Vụ đầu tiên, 70% diện tích trồng dứa cho quả, sản lượng đạt 180 tấn quả. Trừ chi phí, nông dân thu lãi từ 70-100 triệu đồng/ha. Năm 2023, các hộ trong xã đăng ký trồng thêm hơn 10 ha dứa. Hiện nay, đã hoàn thành trồng trên 6 ha, diện tích còn lại đang chờ chồi giống.

Cán bộ xã Huổi Một hướng dẫn nông dân chăm sóc dứa.

Về bản Huổi Mo, xã Chiềng Khương, thăm vườn dứa của gia đình anh Lò Văn Thương được anh chia sẻ: Trước đây, diện tích đất này trồng ngô, sắn. Năm 2021, được xã, bản tuyên truyền, tôi đăng ký chuyển sang trồng 1 ha dứa Queen. Giống được huyện hỗ trợ và được cán bộ Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật. Sau 16 tháng trồng, dứa cho thu hoạch quả. Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm, với mức giá tối thiểu là 4.800 đồng/kg; trừ chi phí, thu hơn 70 triệu đồng. 

Còn tại HTX dịch vụ nông nghiệp Chung Thành, xã Yên Hưng thử nghiệm mô hình rau chân vịt cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đạt hiệu quả kinh tế vượt trội. Mô hình được triển khai đầu tháng 3, với 3 ha. Sau 50 ngày trồng, toàn bộ diện tích cho thu hoạch, năng suất đạt 26 tấn/ha, giá thu mua  4.500 đồng/kg. Ông Cà Văn Thuận, Giám đốc HTX, vui mừng: HTX được huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; Công ty hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm. Rau chân vịt thời gian sinh trưởng ngắn hơn các loại cây màu khác, nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, trừ chi phí thu lãi trên 57 triệu đồng/ha/vụ. 

Gia đình chị Lò Thị Thi, bản Kéo, xã Huổi Một, đã chuyển 3 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây quế. Chị Thi nói: Tham gia trồng quế, gia đình tôi được Công ty cổ phần sản xuất và thương mại CCP Sơn La cung cấp giống và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau khoảng 5 năm trồng, cây quế cho thu hoạch, tỉa cành lá để bán, thu nhập 20-30 triệu đồng/ha. Chu kỳ khai thác khoảng 12 năm có thể đạt gần 500 triệu đồng. Hy vọng quế là cây trồng xóa đói, giảm nghèo.

Lãnh đạo huyện Sông Mã (người đứng giữa) trao đổi về sản xuất rau chân vịt.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Đến hết năm 2022, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức trồng 1.200 ha cây quế; 345 ha cây ăn quả có múi, sản lượng đạt 2.760 tấn quả/năm; dứa Queen 100 ha, sản lượng đạt 3.000 tấn; ngô ngọt 15 ha, sản lượng 210 tấn. Qua triển khai, một số mô hình liên kết đã cho thu nhập từ 57 đến 120 triệu đồng/ha, tăng gấp nhiều lần so với một số cây trồng truyền thống ở địa phương. Đặc biệt, việc liên kết trong sản xuất đã giúp nông dân thay đổi từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP…

Liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, đến năm 2025 tạo lập vùng nguyên liệu tập trung, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác vận động phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên phối hợp UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích đất có thể phát triển mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, chỉ đạo vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành thu hút doanh nghiệp, công ty vào đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế.

Với mục tiêu tạo vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ngày 23/5/2022, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HĐND về phê duyệt Đề án “Phát triển quế trên địa bàn huyện Sông Mã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu năm 2022 trồng 1.000 ha quế; giai đoạn 2023-2025 trồng 1.500-3.000 ha quế; đến năm 2025 trồng 4.000 ha quế; định hướng đến năm 2030 là 10.000 ha. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 1.200 ha cây quế, với 1.700 hộ tham gia, chủ yếu ở các xã: Nậm Mằn, Huổi Một, Yên Hưng, Mường Lầm, Bó Sinh, Chiềng Cang, Mường Hung. Hiện nay, cây đang sinh trưởng phát triển tốt. 

Là đơn vị được huyện chọn triển khai liên kết trồng quế, ông Nguyễn Hồng Linh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại CCP Sơn La, cho biết: Công ty ứng trước giống, vật tư; chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc; ký cam kết bao tiêu sản phẩm làm ra từ quế cho bà con. Công ty liên kết với các đơn vị ở Lào Cai, Yên Bái để cung cấp giống cây chất lượng cho bà con. Năm 2023, Công ty tập trung xây dựng vườn ươm sản xuất cây giống tại địa bàn để phục vụ cho bà con Sông Mã và các huyện lân cận. Năm 2025, triển khai xây dựng nhà máy chế biến tại xã Nà Nghịu.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Chi nhánh Doveco Sơn La, thông tin: Công ty phối hợp với huyện Sông Mã tiếp tục khảo sát vùng trồng. Tuyên truyền cơ chế của đơn vị đến hộ dân, HTX. Dự kiến năm 2023, Công ty mở rộng vùng nguyên liệu tại huyện thêm 100 ha, chủ yếu là cây rau chân vịt, dứa, ngô ngọt, đậu tương.

Công ty cổ phần sản xuất và thương mại CCP Sơn La trao đổi với nông dân xã Nậm Mằn về triển khai trồng quế.

Năm 2023, huyện Sông Mã đã phối hợp với Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ Fusa, Công ty Rồng Đỏ, Công ty Bamboo Hà Nội, Công ty CP rau quả sạch Việt Nam, Công ty xuất nhập khẩu LINSAN IMEX...  triển khai mở rộng vùng nguyên liệu mới với 553 ha. Trong đó, cây ăn quả có múi 345 ha; dứa Queen 155 ha; ngô ngọt 50 ha; rau chân vịt 3 ha. Đến nay, đã xuống giống được 47 ha, tại các xã Mường Sai, Chiềng Khương, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Yên Hưng, Mường Lầm, Huổi Một...

Hài hòa lợi ích giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp

Phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, huyện Sông Mã kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất với chế biến thông qua hợp đồng. Theo đó, nông dân, HTX tổ chức sản xuất trên diện tích đất của mình để tạo ra sản phẩm theo hợp đồng ký kết; doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ dân và cam kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng ký kết. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho nông dân và thu hồi lại phần vốn đã đầu tư đối ứng trước thông qua hợp đồng ký kết.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Người sản xuất tuân thủ nghiêm kỹ thuật chăm sóc, thu hái để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn của nhà máy chế biến. Doanh nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết và cam kết thu mua sản phẩm theo giá đã công bố. Huyện sẽ phát huy vai trò quản lý nhà nước, đảm bảo mối liên kết nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp chặt chẽ, hạn chế nguy cơ bị “Đứt gánh giữa đường”.

Triển khai trồng quế tại xã Nậm Mằn. 

Quá trình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, nông dân có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản với giá bán ổn định. Về phía doanh nghiệp, thông qua việc liên kết sẽ có vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng, góp phần đảm bảo kế hoạch xuất khẩu của đơn vị.

Anh Lò Văn Ngoan, Giám đốc HTX nông nghiệp Huổi Mo, xã Chiềng Khương, cho biết: HTX là đầu mối để liên kết với doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về các điều khoản hợp đồng với doanh nghiệp. Đảm bảo lợi ích của 2 bên, doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng. HTX và các hộ thành viên tham gia chịu trách nhiệm và nghĩa vụ trong sản xuất theo quy trình và không được bán các sản phẩm ra ngoài.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Chi nhánh Doveco Sơn La, cho hay: Công ty luôn đảm bảo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi trong quá trình hợp tác, liên kết. Công ty thực hiện đúng cam kết hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá trong hợp đồng. Hiện nay, các mô hình đơn vị triển khai đều thực hiện cung ứng giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật. Việc thu hồi vốn sẽ được đối ứng khi thu mua sản phẩm của nông dân.

Với sự linh hoạt trong vận dụng cơ chế thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sẽ là hướng đi bền vững, bước đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Sông Mã, hứa hẹn cuộc sống ấm no cho bà con nông dân.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới