Xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị cà phê Arabica Sơn La, Tập đoàn Cà phê Minh Tiến - MTG (Minh Tiến Group) đã liên kết với các hợp tác xã, nông dân Sơn La canh tác cà phê bền vững, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La, cho biết: Hơn 30 năm trước, Minh Tiến Group đã hình thành ý tưởng kết nối người trồng, các đối tác và người uống cà phê thông qua chuỗi khép kín trồng trọt - chế biến - tiêu thụ. Minh Tiến Group sát cánh cùng hàng nghìn hộ nông dân, đưa đội ngũ quản lý, kỹ sư vào tư vấn giám sát kỹ thuật; hỗ trợ cây giống, phân bón sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, từng bước xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu chế biến đạt chuẩn.
Trước đây, nông dân thu hoạch cà phê bằng cách tuốt cành nên ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cà phê do tỷ lệ quả xanh quá nhiều. Từ khi được kỹ thuật viên của Minh Tiến Group tập huấn, hướng dẫn quy trình hái chọn lọc, bà con đã dần thay đổi thói quen thu hoạch, chỉ hái cà phê chín đỏ.
Anh Quàng Văn Diên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chiềng Xét, bản Phiêng Tam, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La, chia sẻ: HTX có 11 thành viên, quy mô 50 ha cà phê canh tác theo quy trình sản xuất VietGAP. Từ tháng 9/2023, HTX ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La. Tôi và các thành viên được Công ty tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc cà phê Arabica đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, nâng cao chất lượng cà phê, như sử dụng phân bón hữu cơ thay thế vô cơ, chỉ thu hái khi quả cà phê chín đỏ. Ngay đầu vụ năm nay, cà phê quả tươi được thu hái đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn, Công ty thu mua với giá 12 nghìn đồng/kg, cao hơn thị trường 2.000-3.000 đồng/kg
Công ty có xưởng chế biến cà phê tại bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, công suất 15.000 tấn quả cà phê tươi/năm và xưởng chế biến cà phê thóc - cà phê nhân tại phường Quyết Tâm, công suất 20.000 tấn/năm; chế biến sâu 80-100 tấn/năm; Công ty được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La. Đến nay, Công ty ký kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ với 1.415 hộ dân, quy mô 1.270 ha đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, Công ty còn được cấp 2.934 ha sản xuất theo tiêu chuẩn 4C cho các hộ sản xuất cà phê tại Sơn La và Điện Biên.
Vấn đề bảo vệ môi trường trong sơ chế, chế biến cà phê luôn được Công ty quan tâm, chú trọng; tuyên truyền các hộ liên kết sản xuất triển khai các mô hình xử lý nước thải cà phê, không thải trực tiếp ra môi trường. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ tại nhà máy, xây dựng quy trình kiểm soát chặt chẽ về xả thải tại nhà máy nhằm bảo vệ nguồn nước, xây dựng hệ thống tái sử dụng vỏ cà phê, xử lý khí đốt tạo nên luân chuyển tài nguyên, tránh tiêu tốn và lãng phí.
Công ty xây dựng xưởng sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại xã Chiềng Xôm theo mô hình kinh tế tuần hoàn; phân bón hữu cơ vi sinh cung cấp cho vùng trồng cà phê Mai Sơn và thành phố Sơn La. Các nhà máy chế biến cà phê có hệ thống xử lý nước thải, sử dụng nước hồi lưu tiết kiệm được nước; sử dụng vỏ trấu cà phê để làm nhiên liệu sấy cà phê, với công nghệ lọc khói bụi trước khi thải ra môi trường.
Minh Tiến Group còn sản xuất các sản phẩm hoa quả (ORGANIC) sấy khô bằng công nghệ sấy lạnh. Vỏ cà phê thu gom làm trà Hà Chúc Cascara. Vỏ trấu và bã cà phê tận dụng sản xuất sản phẩm sinh học Namigo. Cuối cùng là phân bón hữu cơ từ vỏ thịt, vỏ trấu sử dụng bón cho vùng trồng cà phê.
Bà Vũ Thị Xuân, tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, chia sẻ: Tôi đặc biệt ấn tượng với sản phẩm cà phê và các sản phẩm được chế biến từ vỏ trấu cà phê làm túi bóng, tăm chỉ, bộ dĩa, thìa… sử dụng một lần. Những sản phẩm này, góp phần nâng cao giá trị cà phê và an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, cần tiếp tục được nhân rộng.
Ông Vương Văn Hải, Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La, cho biết: Mô hình kinh tế tuần hoàn của Minh Tiến group là động lực cho doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực sản xuất cà phê nói riêng và sơ chế, chế biến nông sản của tỉnh nói chung đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Hệ sinh thái đa dạng giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết tốt các khâu tái sản xuất.
Kinh nghiệm của Minh Tiến Group để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo các nguyên tắc: Thay đổi thiết kế sản phẩm, loại bỏ rác thải và ô nhiễm, tăng vòng đời sản phẩm và nguyên liệu, tái tạo hệ sinh thái tự nhiên; thiết kế sản phẩm, tăng khả năng tái chế và sử dụng; quá trình sản xuất hạn chế tạo ra rác thải; tiêu dùng có trách nhiệm, quản lý rác thải, biến chất thải thành nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế, giảm tối đa rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng; tạo ra nhiều hàng hóa tiêu dùng được tạo nên từ nguyên liệu sinh học; có kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu…
Phát huy hiệu quả mô hình, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ, đa dạng hoá các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường có tính ứng dụng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!