Hỗ trợ, phát triển mới các sản phẩm OCOP

Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX có thêm nguồn lực để hoàn thiện sản phẩm. Hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các quy trình đăng ký sản phẩm mới theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức cho 300 lượt cán bộ, các chủ thể sản xuất trong các lĩnh vực tham gia các lớp tập huấn thực hiện Chương trình OCOP do Trung ương, tỉnh triển khai; tham quan, học tập, trao đổi học tập kinh nghiệm xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại các địa phương khác. Hỗ trợ trên 1 tỷ đồng để chuẩn hóa các sản phẩm về thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác, quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế website...

Sản phẩm chè Trọng Nguyên đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Đến nay, huyện đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX chuẩn hóa sản phẩm OCOP đối với sản phẩm Coffee Arabica Minh Trí; thịt hun khói Tông Cọ; mật ong Phổng Lái. Có 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm: Sản phẩm du lịch điểm du lịch Pha Đin Top; trà Olong Thu Đan; cá rô phi lê sông Đà; cá trắm hun khói Chiềng La; chè Trọng Nguyên. Sau khi được công nhận, các sản phẩm OCOP đã được tạo điều kiện tham gia chương trình hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại; tham gia 2 điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của huyện tại trung tâm thị trấn huyện và điểm du lịch Pha Đin Top. Tham gia các điểm trưng bày sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố trong tỉnh, ngoài tỉnh. Qua đó, nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng, nhà phân phối, các đại lý, tạo cơ hội nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, các nhà phân phối, làm cơ sở hoàn thiện và phát triển sản phẩm.

Dự kiến trong năm 2023, huyện phát triển mới thêm 3 sản phẩm, gồm mắc khén của xã Phổng Lập; rượu men lá Tay Đăm Thảo Phúc của HTX Tay Đăm, xã Chiềng La và trứng gà đen của HTX nông nghiệp Cha Mạy, xã Long Hẹ.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu sản xuất rượu men lá của gia đình, anh Lò Văn Thảo, Giám đốc HTX Tay Đăm, xã Chiềng La, chia sẻ: Từ nhỏ đã nghe các bà, các mẹ trong bản truyền dạy nghề nấu rượu theo phương pháp truyền thống; năm 2017, tôi quyết tâm học hỏi và đầu tư sản xuất sản phẩm. Thời gian đầu, mỗi ngày, tôi chỉ nấu từ 10-15 lít bán ra thị trường và được mọi người khen ngon, nên tôi mạnh dạn mở rộng quy mô.

Năm 2020, anh Thảo liên kết với 7 hộ dân trong bản thành lập HTX Tay Đăm, với các ngành nghề chăn nuôi, nấu rượu truyền thống. Trong sản xuất rượu, thành viên HTX sử dụng sản phẩm gạo nếp địa phương; men rượu là lá cây lấy trên rừng, giã và ủ lên men tự nhiên. Ngoài ra, HTX đầu tư xây dựng hệ thống lọc khử các chất độc tố. Hiện nay, sản phẩm rượu của HTX đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng để lưu thông trên thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX đã đăng ký với huyện xây dựng sản phẩm OCOP, hiện nay, đang được các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất an toàn; khảo sát, đánh giá tiềm năng, hoạt động tài chính, nguồn gốc sản phẩm chế biến rượu; hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để tham gia sản phẩm OCOP.

HTX nông nghiệp Chà Mạy, xã Long Hẹ, có 6 thành viên, chuyên nuôi gà đen bản địa, quy mô 400 con; sản phẩm trứng gà của HTX đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2023, HTX đăng ký sản phẩm trứng gà đen tham gia chương trình OCOP. Anh Lầu A Lâu, Giám đốc HTX, thông tin: Các thành viên đã được đi tập huấn tại tỉnh về xây dựng sản phẩm OCOP năm 2023. Qua đối chiếu các tiêu chuẩn, HTX còn cần đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; máy ấp nở trứng gà hiện đại, chuồng trại nuôi gà được xây dựng khép kín, bảo đảm các tiêu chuẩn về nhiệt độ, môi trường, quạt gió và sử dụng công nghệ tự động cho ăn, xử lý chất thải.

Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện, cho biết: Đối với sản phẩm phấn đấu đạt chuẩn OCOP năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các hộ dân, HTX thực hiện các quy trình sản xuất; xây dựng phương án thiết kế bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, làm thủ tục để được công nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, trình UBND huyện thẩm định, phê duyệt kinh phí hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm năm 2023.

Từ những thành công đạt được trong triển khai chương trình OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống, sản phẩm thế mạnh của huyện Thuận Châu đang được hoàn thiện theo quy chuẩn; một số sản phẩm tạo được vị thế trên thị trường. Đây là tiền đề quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện trong thời gian tới.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới