Xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) từ lâu được biết đến là một trong những vựa ngô lớn của huyện Mộc Châu, mỗi năm xã sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 24.000 tấn ngô bắp. Nhưng do đa phần được canh tác trên đất dốc, nên diện tích sản xuất nhanh chóng bị bạc màu, sản lượng ngô thấp dần theo từng năm.
Nhiều diện tích đất dốc ở Chiềng Hắc (Mộc Châu) được chuyển
thđổi trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao.
Là hộ đi đầu trong chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, ông Vì Văn Phiết, bản Tát Ngoẵng, xã Chiềng Hắc, cho biết: Trước đây gia đình tôi là một trong những hộ trồng ngô lớn nhất xã, nhưng do đất canh tác dốc, dần bạc màu, tôi đã chuyển dần sang trồng cây ăn quả. Với 2 cây trồng được gia đình lựa trọn là cây mơ và nhãn ghép. Với hình thức “lấy ngắn nuôi dài”, những năm đầu, tôi trồng ngô xen canh với cây ăn quả để duy trì thu nhập. Đến nay, với 7 ha trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã có 300 gốc mơ và 200 gốc nhãn ghép cho thu hoạch, trừ chi phí thu nhập từ vườn cây đạt 300 triệu đồng/năm.
Cùng với việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, xã Chiềng Hắc đã vận động người dân chuyển đổi gần 200 ha đất canh tác khó khăn, bạc màu sang trồng rừng và cây lâm nghiệp, đảm bảo tăng diện tích phủ xanh đất trống, tăng diện tích rừng của xã. Riêng đầu năm 2016, các hộ dân trong xã đã đăng ký trồng mới 90 ha rừng và cây lâm nghiệp, các giống cây được lựa trọn để phát triển là cây có độ che phủ cao, phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện địa phương như xoan đào, luồng, dổi.
Trao đổi, tìm hiểu thêm được biết, ông Vì Văn Toàn, bản Pá Phang 2 là hộ đã chuyển đổi 1,5 ha nương sang trồng xoan đào. Cây xoan đào khá hợp với khí hậu của xã, để đầu tư trồng 1,5 ha chỉ cần 6-7 triệu đồng tiền giống. Trồng và chăm sóc xoan cũng dễ, khi trồng đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các cây là 2m, trong ba năm đầu vẫn có thể trồng xen canh với cây ngắn ngày, mỗi năm tỉa cành 2 lần để cây lên thẳng, tạo chiều dài cho thân gỗ, đảm bảo tận dụng tối đa khi thu hoạch. Sau năm thứ 3 trở đi, cây không cần chăm sóc nhiều, từ năm thứ 5 có thể bắt đầu thu hoạch. Đến nay, sau 5 năm trồng, đường kính vườn xoan của gia đình ông Toàn đã đạt từ 15-25 cm và đã được định giá trên 300 triệu đồng.
Đồng chí Hà Thị Phước, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Hắc, cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc được xã xác định là một trong những hướng phát triển kinh tế trọng tâm. Để việc chuyển đổi thực sự hiệu quả, xã đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng hợp lý, trong đó tập trung vào các cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và nhóm đặc sản địa phương như: Nhãn ghép, mận, mơ; trồng rừng và cây lâm nghiệp, để tăng diện tích che phủ rừng.
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc tại xã Chiềng Hắc bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Trong thời gian tới, Chiềng Hắc tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung; phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, gắn với việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đảm bảo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập ổn định cho người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!